Chiều nay (22/5), Quốc hội sẽ thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết đa số ý kiến nhất trí cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Đây không phải nội dung mới mà được kế thừa từ Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019.
Cũng theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các nhà khoa học ủng hộ quy định cấm trên. Việc sử dụng rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp gây ra khoảng 30 căn bệnh nguy hiểm, là nguyên nhân gián tiếp tác động gây ra hơn 100 căn bệnh khác.
Được biết, tranh luận "nồng độ cồn bằng 0 khi lái xe" bắt đầu từ kỳ họp Quốc hội cuối năm 2023, khi một số thành viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở là "quá nghiêm khắc và chưa phù hợp". Những người này đề nghị tham khảo kinh nghiệm quốc tế và quy định nồng độ cồn ở mức độ phù hợp đối với từng loại phương tiện; bảo đảm tính thống nhất với quy định của Bộ luật Hình sự.
Trong văn bản tham gia giải trình một số nội dung mới của dự thảo luật, Bộ Công an cũng bảo lưu quan điểm quy định nồng độ cồn bằng 0 khi điều khiển phương tiện để giúp người lái xe tránh tình trạng "bị ép uống rượu". Hơn nữa, tài xế khi tham gia giao thông phải duy trì sự tỉnh táo và phản xạ nhanh để xử lý tình huống bất ngờ xảy ra.
Nghị định 100/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt nêu lái xe sẽ bị xử phạt khi có nồng độ cồn vượt mức 0. Mức phạt cao nhất với người đi xe đạp là 400.000 đến 600.000 đồng; xe máy 6 đến 8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22-24 tháng; ôtô 30 đến 40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22-24 tháng.