Lộn xộn lớp “tiền tiểu học”

Bạn đọc viết:

Phạm Tiến Thịnh (quận Ba Đình, thành phố Hà Nội)

Trước những thay đổi về chương trình giáo dục phổ thông gần đây, không ít phụ huynh đã đưa con em đi học lớp 1 “trước”, hay còn gọi một cách khá mỹ miều là “tiền tiểu học”. Như trường hợp của chị gái tôi, lo lắng về việc không đủ “sức” kèm cặp, đã đăng ký cho con vào lớp “tiền tiểu học” với thời gian biểu 3 buổi/tuần.

Lớp được vận hành từ đầu tháng 5 vừa qua, đứng lớp cũng là cô giáo ở ngôi trường nơi cháu tôi dự định sẽ theo học. Thời gian đầu, cháu khá hào hứng với những điều mới lạ được học, khiến phụ huynh cũng phần nào an tâm và cố gắng thu xếp thời gian cơm nước, đưa đón con dù cả lớp chỉ học vào… đúng giờ cơm tối. Tuy nhiên, chỉ sau khoảng hai tuần, bắt đầu có những vấn đề khiến phụ huynh không khỏi băn khoăn.

Đáng chú ý nhất là việc các cô giáo thường xuyên thay đổi thời gian biểu của lớp, làm cả học sinh và phụ huynh đều “trở tay không kịp”. Có những lần, giáo viên đột ngột thông báo nghỉ học ngay sát giờ, khiến toàn thể phụ huynh phải “xoay như chong chóng” để đổi lịch công việc, gia đình để có người trông con. Chưa kể một số bố mẹ đã đưa con tới lớp nhưng chưa kịp đọc thông báo, bỗng nhiên rơi vào tình thế “đem con bỏ chợ”. Những lần cô giáo “bận đột xuất” cứ như vậy ngày càng dày lên. Có những lúc, cô thể hiện trách nhiệm bằng cách cho cả lớp nghỉ đột ngột rồi đưa ra những phương án học bù khó hiểu như đón và trả học sinh vào… khung giờ hành chính (!?).

Giống như nhiều vị phụ huynh khác, anh chị tôi vẫn thường lấy câu nói “muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy” mỗi khi phải xoay xở sắp xếp công việc để lựa giờ đón đưa con tới lớp. Vậy nhưng, nếu lớp học nào cũng lộn xộn thế này, thì liệu học trò có thể “hay chữ” được chăng?