Trước nhiều băn khoăn về việc tách Tổng cục Đường bộ Việt Nam thành 2 cục mới thuộc, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết: "Chắc chắn không còn Tổng cục Đường bộ Việt Nam, bởi khi đối chiếu với các quy định thì đơn vị này không đảm bảo".
Trước nhiều băn khoăn về việc tách Tổng cục Đường bộ Việt Nam thành 2 cục mới thuộc, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết: "Chắc chắn không còn Tổng cục Đường bộ Việt Nam, bởi khi đối chiếu với các quy định thì đơn vị này không đảm bảo".
Sáng 20/6, tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã có những trao đổi về thông tin liên quan tới việc tách Tổng cục Đường bộ Việt Nam thành 2 cục mới thuộc bộ, đó là Cục Đường bộ và Cục Đường bộ cao tốc.
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, lý do bỏ mô hình Tổng cục Đường bộ bởi mô hình này khi đối chiếu không đảm bảo với các quy định hiện hành.
Về việc tách Tổng cục Đường bộ thành Cục Đường bộ và Cục Đường cao tốc, lãnh đạo bộ GTVT cho rằng, mục tiêu Việt Nam sẽ xây dựng 5.000km đường cao tốc giai đoạn tới. Vừa qua cũng có rất nhiều vấn đề liên quan tới quản lý, đầu tư đường cao tốc, kể cả thể chế và chính sách.
Do vậy, khi xoá mô hình Tổng cục Đường bộ, Chính phủ đã giao cho các bộ phối hợp với Tổng cục để xây dựng đề án trình Chính phủ.
Bên cạnh đó, văn phòng Chính phủ sẽ trình lấy ý kiến các thành viên Chính phủ. Khi Thủ tướng ký ban hành Nghị định 12, thì mới có kết quả cụ thể.
Bộ GTVT đang làm sáng tỏ các vấn đề và báo cáo lên Chính phủ để Thủ tướng ra quyết định cuối cùng.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, trong quá trình xây dựng có nhiều ý nên xin tiếp thu và lấy ý kiến các bên. Vấn đề này tới đây cũng cần công khai, tổ chức hội thảo lấy ý kiến, có thông tin nhiều chiều để tham mưu cho Chính phủ xem có nên tách hay giữ nguyên.
Sáng cùng ngày, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Nội vụ, cơ quan này đã giải đáp thắc mắc xung quanh dự thảo đề án tổ chức lại Tổng cục Đường bộ Việt Nam thành Cục Đường bộ và Cục Đường bộ cao tốc.
Theo Bộ Nội vụ, Vụ trưởng Tổ chức - Biên chế Vũ Hải Nam cho biết, các Bộ ngành đã bám sát quan điểm, nguyên tắc chỉ đạo trong vấn đề sắp xếp theo hướng tinh gọn bộ máy, giảm cấp trung gian.
Có 3 tiêu chí thành lập Tổng cục được quy định rất rõ trong Nghị định 101/2020 của Chính phủ.
Tuy nhiên, Tổng cục Đường bộ Việt Nam hiện còn một tiêu chí chưa đáp ứng đầy đủ liên quan đến việc được giao ngành lĩnh vực tập trung, không phân cấp cho địa phương.
Trường hợp Tổng cục Đường bộ được tách thành 2 cục, ông Nam cho rằng sẽ phải phân công rõ đầu mối, đảm bảo chính sách được thực hiện thống nhất, hợp lý nhất trong quản lý, vừa tinh gọn vừa hiệu quả.