Lâm Đồng thúc tiến độ cao tốc sau vụ sạt lở nghiêm trọng tại đèo Bảo Lộc

UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các sở ngành, thành phố Bảo Lộc và các huyện thực hiện quyết liệt các giải pháp để sớm khởi công xây dựng cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương...

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản hỏa tốc gửi các sở ngành, thành phố và các huyện về việc triển khai các phương án, giải pháp khắc phục và phòng chống sạt lở đất tại đèo Bảo Lộc và trên địa bàn tỉnh trong mùa mưa 2023.

Một trong những nội dung quan trọng của văn bản là việc triển khai đầu tư dự án đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại buổi làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng ngày 31/7.

Cụ thể, ngày 31/7, sau khi đến hiện trường kiểm tra và chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả do mưa lũ, sạt lở đất tại đèo Bảo Lộc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và đoàn công tác của Chính phủ đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng.

Tại buổi làm việc, trước đề nghị của tỉnh Lâm Đồng về việc thúc đẩy các bộ ngành tháo gỡ các vướng mắc để sớm triển khai dự án cao tốc, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang có ý kiến việc sớm đầu tư hoàn chỉnh tuyến cao tốc là cần thiết và cần phải quan tâm ưu tiên triển khai thực hiện để phá thế độc đạo qua Đèo Bảo Lộc.

Trên cơ sở ý kiến của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, UBND tỉnh Lâm Đồng giao các sở, ngành, địa phương có liên quan chủ động, quyết liệt triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được giao để sớm khởi công và triển khai đầu tư tuyến đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương nhằm giảm áp lực giao thông và nguy cơ mất an toàn trên tuyến quốc lộ 20.

Bảo Lộc
Hiện trường vụ sạt lở nghiêm trọng khiến giao thông qua đèo Bảo Lộc bị tê liệt

Sở Giao thông vận tải được giao chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan kiểm tra, rà soát có ý kiến cụ thể về phương án thiết kế để thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, như: phương án kết cấu nền đường, mặt đường; hệ thống thoát nước ngang; thoát nước dọc cống thoát, hệ thống dẫn nước... nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập (ngập nước, lún nứt mặt đường...) của một số tuyến đường cao tốc đang khai thác tại một số địa phương.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao khẩn trương hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh chuyển mục đích sử dụng rừng đối với những vị trí điều chỉnh cục bộ hướng tuyến đoạn Tân Phú - Bảo Lộc; báo cáo UBND tỉnh xem xét, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

UBND tỉnh Lâm Đồng cũng giao Ban quản lý dự án giao thông tỉnh tiếp tục đôn đốc các nhà đầu tư đề xuất dự án khẩn trương hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án và các hồ sơ liên quan (báo cáo đánh giá tác động môi trường, Khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư...) để trình thẩm định, phê duyệt theo quy định.

Bên cạnh đó, UBND các huyện, thành phố có đường cao tốc đi qua cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân ủng hộ việc triển khai dự án và đồng thuận trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tránh việc tranh chấp, khiếu kiện làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, nhiệm vụ cần thiết để chủ động thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng ngay sau khi báo cáo nghiên cứu khả thi dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Như Thương gia đã thông tin, tỉnh Lâm Đồng xác định, dự án xây dựng đường bộ cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc và dự án cao tốc đoạn Bảo Lộc - Liên Khương là dự án trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Hiện nay, Lâm Đồng đang tập trung mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ triển khai hai đoạn cao tốc này, trong đó cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc sẽ được triển khai sớm hơn, quyết tâm khởi công dự án vào tháng 9/2023, hoàn thành vào tháng 6/2026.

Công tác cắm mốc ranh giới giải phóng mặt đang được tỉnh Lâm Đồng tích cực triển khai. Theo quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, tổng nhu cầu sử dụng đất của dự án dự kiến khoảng 455ha (trong đó Đồng Nai khoảng 81ha, Lâm Đồng khoảng 374ha). Diện tích chuyển mục đích sử dụng rừng là 186,21ha.

cao-toc-3-6550.jpg
Lâm Đồng đang tập trung mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ triển khai cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương. Ảnh minh họa

Dự án Tân Phú – Bảo Lộc có tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ là 17.200 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước tham gia dự án 6.500 tỷ đồng (Ngân sách Trung ương 2.000 tỷ đồng, ngân sách tỉnh Lâm Đồng 4.500 tỷ đồng); vốn chủ sở hữu nhà đầu tư 1.605 tỷ đồng và 9.095 tỷ đồng từ các nguồn huy động).

Cùng với cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc, cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương cũng được HĐND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 12/2022, có tổng chiều dài dự kiến gần 74km, với tổng mức đầu tư dự án khoảng 19.521 tỷ đồng. Trong đó, vốn nhà nước tham gia dự án là 6.500 tỷ đồng (Ngân sách Trung ương là 2.500 tỷ đồng, ngân sách tỉnh Lâm Đồng là 4.000 tỷ đồng); vốn chủ sở hữu nhà đầu tư 1.764 tỷ đồng và vốn huy động khác khoảng 9.996 tỷ đồng.

Cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương là 2 dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương kết nối các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. 2 đoạn này được Chính phủ giao cho UBND tỉnh Lâm Đồng chủ trì triển khai. Đoạn còn lại là Cao tốc Dầu Giây – Tân Phú do Bộ Giao thông Vận tải chủ trì thực hiện cũng đã được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư vào 9/2022 với tổng mức đầu tư hơn 8.300 tỷ đồng.