Thực thi các FTA thế hệ mới: Khó khăn và thách thức với an ninh tài chính quốc gia

Như đã phân tích ở bài trước, bên cạnh các kết quả đạt được, việc thực thi các FTA thế hệ mới ở Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những thách thức và khó khăn về đảm bảo an ninh tài chính quốc gia trong giai đoạn tới.

Đánh giá về những tác động "tiêu cực" của các FTA thế hệ mới đối với an ninh tài chính quốc gia, PGS. TS Nguyễn Tiến Thuận cho rằng, dư địa thu ngân sách nhà nước (NSNN) không còn nhiều trong khi nhu cầu chi cho đầu tư phát triển, đảm bảo an sinh xã hội rất lớn, gây áp lực lên cân đối NSNN.

Cơ cấu thu NSNN từ thuế, phí còn dựa vào các sắc thuế gián thu (như thuế giá trị gia tăng), trong khi thu từ thuế trực thu (thuế thu nhập doanh nghiệp - không kể dầu thô) thấp hơn nhiều do điều chỉnh giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm thúc đẩy đầu tư, khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp. Thu NSNN còn dựa vào các khoản thu từ vốn, các khoản thu có tính chất một lần, không tái tạo (như thu từ thoái vốn, cổ tức, tiền sử dụng đất…).

Cơ cấu thu nội địa chưa thực sự bền vững, tốc độ tăng thu nội địa có xu hướng chậm lại, nguồn thu từ các doanh nghiệp nhà nước vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu NSNN so với nguồn thu từ các doanh nghiệp FDI hoặc các doanh nghiệp ngoài quốc doanh.

aria-grand-700x300px.jpg

Chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ/tổng thu NSNN tăng dần, từ mức 15,8% năm 2016 lên mức 17,4% vào cuối năm 2019 và dự báo cao nhất vào khoảng 22-23% trong giai đoạn 2021- 2022, tiệm cận ngưỡng an toàn 25% do Quốc hội đề ra. Tốc độ tăng thu NSNN trong những năm gần đây không theo kịp tốc độ tăng nghĩa vụ trả nợ, dẫn đến chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách tăng.

Bên cạnh đó, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp tăng còn do các khoản vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài trước đây đã đến giai đoạn trả nợ gốc; các khoản vay mới có điều kiện kém ưu đãi hơn. Ngoài ra, những biến động khó lường trên thị trường vốn trong nước và quốc tế cũng có thể gây ra rủi ro về lãi suất và tỷ giá, ảnh hưởng đến khả huy động và thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Trong trường hợp tỷ giá và lãi suất huy động vốn biến động tiêu cực, nếu không có biện pháp kiểm soát mức tăng chi phí huy động vốn dẫn đến nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh thì có thể xảy ra rủi ro chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu NSNN vượt ngưỡng 25%. Đây là những thách thức đối với công tác quản lý vay và trả nợ công trong giai đoạn tới, đặt ra yêu cầu tiến tới áp dụng nghiệp vụ quản lý nợ chủ động, chuyên nghiệp và phù hợp hơn với thông lệ quốc tế.

Vẫn theo PGS. TS Nguyễn Tiến Thuận, giải ngân vốn đầu tư công mặc dù cải thiện nhưng vẫn chậm do gặp nhiều khó khăn như chậm giải phóng mặt bằng, công tác chuẩn bị dự án còn nhiều hạn chế, phân bổ vốn chưa sát thực tế, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19… Trong những năm tới, thách thức giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục tăng lên trong bối cảnh kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, tăng trưởng kinh tế sẽ tiếp tục phải dựa vào giải ngân vốn đầu tư công.

Đối với thị trường tài chính (TTTC) theo quan điểm của PGS. TS Nguyễn Tiến Thuận mặc dù Việt Nam đã và đang từng bước hoàn thiện các tiêu chuẩn đảm bảo an toàn hoạt động của các trung gian tài chính và ổn định thị trường theo chuẩn mực quốc tế, nhưng TTTC còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, quy mô thị trường nhỏ và dễ bị tác động từ những biến động của thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, năng lực quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro và năng lực tài chính của các trung gian tài chính còn hạn chế nên dễ bị tổn thương trước những biến động và cú sốc thị trường.

Thực thi các FTA thế hệ mới: Khó khăn và thách thức với an ninh tài chính quốc gia 2Hệ thống giám sát TTTC mới tập trung vào công tác giám sát an toàn vi mô

PGS. TS Nguyễn Tiến Thuận nhấn mạnh việc giám sát cẩn trọng vĩ mô TTTC còn chưa được quan tâm đúng mức; hệ thống giám sát TTTC mới tập trung vào công tác giám sát an toàn vi mô trên cơ sở thiên về giám sát tuân thủ hơn là giám sát dựa trên rủi ro. Trong bối cảnh TTTC đang phát triển nhanh chóng, phức tạp cả về quy mô lẫn cấu trúc, với các hoạt động tài chính đan xen giữa các khu vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và trong môi trường kinh tế vĩ mô nhiều biến động.

Theo nhìn nhận của PGS. TS Nguyễn Tiến Thuận, các cơ quan giám sát chuyên ngành hiện nay tập trung vào giám sát vi mô từng định chế tài chính trong thẩm quyền giám sát mà chưa quan tâm đúng mức đến giám sát rủi ro hệ thống, rủi ro của các định chế tài chính lớn có ảnh hưởng hệ thống. Hệ thống các chỉ tiêu, tiêu chí giám sát tài chính còn chưa bao quát hết các loại hình rủi ro liên quan và chưa có tính cảnh báo cao, dự báo kịp thời. Đặc biệt, trên thị trường tiền tệ - ngân hàng, thách thức lớn nhất đối với các ngân hàng trong việc áp dụng Basel II (Hiệp ước về vốn Basel II - là các nguyên tắc chung và các luật ngân hàng của ủy ban Basel về giám sát ngân hàng) là nhu cầu tăng vốn, một số ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ phát triển quá nhanh, quy mô tín dụng vượt quá năng lực quản lý và cơ sở hạ tầng khiến nguy cơ đổ vỡ gia tăng, ảnh hưởng đến an ninh TTTC.