Phế liệu nhựa đổ dồn về Việt Nam và một số nước đang phát triển trong khu vực ASEAN kể từ sau lệnh cấm nhập khẩu phế liệu nhựa của Trung Quốc.
Đỉnh điểm, giai đoạn cuối năm 2018, đầu năm 2019, hơn một triệu tấn phế liệu được nhập khẩu vào Việt Nam, bao gồm nhiều loại phế liệu không đạt tiêu chuẩn. Hơn 24 nghìn container phế liệu tồn đọng tại các cảng biển, tiêu tốn nhiều công sức để giải quyết.
Lý giải về sự kiện này, ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Chi hội Nhựa tái sinh, Hiệp hội Nhựa Việt Nam, cho biết, chính sách chưa chặt chẽ khiến hoạt động nhập khẩu phế liệu trở nên hỗn loạn.
Nhiều đơn vị đứng ra nhập khẩu phế liệu dù không có năng lực tái chế, nhập khẩu cả những loại phế liệu kém chất lượng, không đạt tiêu chuẩn, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro biến Việt Nam trở thành bãi rác của các nước phát triển.
Sau sự kiện nói trên, Chính phủ đã ban hành Nghị định 40/2019/NĐ-CP, siết chặt các quy định về nhập khẩu phế liệu như chỉ cho phép nhập khẩu các phế liệu trong danh mục, chỉ cấp phép nhập khẩu phế liệu nhựa cho những đơn vị tái chế ra đến sản phẩm.
Ông Vượng cho biết, hiện nay, phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài rất quan trọng với ngành công nghiệp nhựa tái chế. Bởi lẽ, nguồn phế liệu này có chất lượng cao, được làm sạch, phân loại, ép kiện, băm nhỏ thuận tiện cho các nhà tái chế trong bối cảnh Việt Nam chưa phân loại được chất thải tại nguồn.
Sử dụng phế liệu trong sản xuất nhựa giúp nâng cao tỷ lệ nhựa tái sinh, từ đó đáp ứng được yêu cầu của một số bạn hàng quốc tế. “Việt Nam mất rất nhiều đơn hàng vì không có nhựa tái sinh”, ông Vượng cho biết.
Tuy nhiên, theo TS. Quách Thị Xuân, Trưởng đại diện Tổ chức Môi trường Thái Bình Dương (PE) tại Việt Nam, chỉ có khoảng 60% phế liệu nhựa nhập khẩu được tái chế. Số còn lại tồn đọng tại các cơ sở tái chế, bị đốt, chôn lấp hoặc thất thoát ra môi trường, gây ra nhiều hệ lụy.
Có nên tiếp tục nhập khẩu phế liệu?
Năm 2024, công cụ chính sách trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) chính thức được triển khai, yêu cầu doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm thu gom, tái chế sản phẩm sau tiêu dùng thông qua tự tổ chức thực hiện, thuê bên thứ ba hoặc đóng tiền vào Quỹ Bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, theo yêu cầu của Luật Bảo vệ môi trường 2020, kể từ năm 2025, phân loại rác tại nguồn sẽ trở thành điều bắt buộc. Các chính sách này được kỳ vọng sẽ giúp tạo ra nguồn phế liệu sạch ngay trong nước làm đầu vào cho ngành công nghiệp tái chế, thay thế cho phế liệu nhập khẩu.
Thực tế, việc nhập khẩu phế liệu vốn rất nhạy cảm và chứa đựng nhiều rủi ro cho môi trường nếu không được quản lý hiệu quả. Đây là nguyên nhân khiến những quốc gia như Trung Quốc, Malaysia ban hành lệnh siết chặt hoạt động nhập khẩu phế liệu.
Không chỉ quốc gia nhập khẩu mà tại những quốc gia xuất khẩu cũng đang có nhiều ý kiến phản đối việc vận chuyển, buôn bán phế liệu xuyên biên giới. Nhiều nhóm hoạt động môi trường lập luận rằng việc các nước phát triển xuất khẩu phế liệu sang các nước đang phát triển là hành vi “đẩy ô nhiễm” tới những nơi có năng lực xử lý chất thải kém hơn, tạo ra áp lực môi trường trầm trọng hơn cho những quốc gia này.
Ở chiều ngược lại, nhiều doanh nghiệp tái chế cũng cho biết, việc nhập khẩu phế liệu là điều “cực chẳng đã” bởi “ai cũng muốn khép kín vòng lặp tuần hoàn ngay trên đất nước mình. Cộng đồng doanh nghiệp tái chế kỳ vọng công cụ EPR đi vào hiệu lực sẽ sớm giúp hình thành chuỗi giá trị phế liệu để doanh nghiệp có thể sử dụng 100% phế liệu trong nước.
Tuy nhiên, trao đổi với TheLEADER, một chuyên gia về kinh tế tuần hoàn cho biết, việc nhập khẩu phế liệu cần được quản lý hiệu quả hơn là đưa ra các lệnh cấm. Bởi lẽ, nếu được xử lý đúng cách với công nghệ phù hợp, phế liệu hoàn toàn có thể trở thành nguyên liệu đầu vào giá rẻ, giúp doanh nghiệp giảm chi phí.
Điều này đòi hỏi sự thay đổi về tư duy, nhấn mạnh quan điểm rằng nhập khẩu phế liệu là để làm đầu vào cho sản xuất chứ không phải đi xử lý chất thải cho quốc gia khác.
Trên thực tế, các chính sách về kinh tế tuần hoàn đã và đang tiếp tục được ban hành tại nhiều quốc gia trên thế giới khiến nhu cầu xử lý phế liệu ngày càng tăng cao. Tại các quốc gia đang phát triển như Mỹ, khu vực EU, công nghệ và quy trình tái chế một số loại phế liệu chưa thực sự đạt chuẩn để đáp ứng nhu cầu này.
Theo vị chuyên gia, đây có thể là cơ hội để doanh nghiệp Việt tìm kiếm nguồn nguyên liệu giá rẻ, đặc biệt đối với một số ngành đang phải nhập khẩu nhiều nguyên liệu từ nước ngoài như dệt may, điện tử, tuy nhiên phải dựa trên nền tảng là có công nghệ tái chế phù hợp và thiết lập được chuỗi giá trị nhằm tái chế triệt để phế liệu nhập khẩu.
Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), góp ý cho việc sửa đổi Nghị định 08 hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường 2020, cũng nêu quan điểm, cần xem xét kỹ chính sách hạn chế nhập khẩu phế liệu.
Cụ thể, việc hạn chế nhập khẩu phế liệu đi kèm với việc doanh nghiệp phải hình thành được chuỗi thu gom trong nước. Tuy nhiên, theo VCCI, có thể phải mất nhiều năm nữa để Việt Nam làm được điều này.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp Việt cũng đang đề xuất nới lỏng quy định nhập khẩu phế liệu. Tiêu biểu như Masan Hightech Matterial, đơn vị sở hữu dây chuyền tái chế vonfram, đề nghị được phép nhập khẩu phế liệu vonfram để tái chế, cung ứng nguồn vonfram xanh chất lượng cao cho thế giới.
Doanh nghiệp này cho biết, lượng phế liệu trong nước là không đủ so với quy mô của dây chuyền tái chế họ đang sở hữu, đồng thời cam kết phối hợp với các bên liên quan để tái chế triệt để phế liệu, không thất thoát ra môi trường.
Hoàng Đông