Một bước ngoặt quan trọng trong quản lý vốn nhà nước đang diễn ra khi các doanh nghiệp Nhà nước được đề xuất hạn chế đầu tư vào ba lĩnh vực "nóng" là bảo hiểm, bất động sản và chứng khoán…
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 23/11, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã trình Quốc hội dự Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Nội dung đáng chú ý trong dự luật liên quan đến hoạt động quản lý vốn của các doanh nghiệp Nhà nước.
Thủ Thủ tướng Lê Thành Long cho hay, Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước được ban hành nhằm thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, trước yêu cầu mới từ thực tiễn quản lý và hội nhập quốc tế, kịp thời khắc phục những hạn chế, tồn tại của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp hiện hành.
Dự thảo Luật mới đã đưa ra những quy định chặt chẽ về việc hạn chế đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước. Theo đó, các trường hợp doanh nghiệp Nhà nước không được đầu tư vốn đã được liệt kê rõ ràng, đặc biệt là trong các lĩnh vực nhạy cảm, được cho là đang rất “nóng” như bất động sản, chứng khoán và bảo hiểm.
Cụ thể, doanh nghiệp Nhà nước không được đầu tư vốn để thành lập doanh nghiệp, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản, trừ trường hợp được quy định tại khoản 14 Điều 12 Luật này.
Cùng với đó, dự thảo luật cũng nêu rõ một số trường hợp khác: Doanh nghiệp Nhà nước cũng không được đầu tư vốn để thành lập doanh nghiệp, góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, trừ ngân hàng thương mại thực hiện nhiệm vụ phục vụ an ninh, quốc phòng theo quy định của Chính phủ.
Không được đầu tư vốn để thành lập doanh nghiệp, góp vốn, mua cổ phần tại công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán và công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, trừ doanh nghiệp có chức năng đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán.
Cuối cùng theo dự thảo Luật, doanh nghiệp Nhà nước cũng không được góp vốn cùng công ty con để thành lập công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn.
Ngoài việc hạn chế việc “rót vốn” vào các lĩnh vực kinh tế, doanh nghiệp Nhà nước cũng bị hạn chế không được đầu tư vốn để thành lập doanh nghiệp, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp mà người đại diện sở hữu vốn tại doanh nghiệp đó là vợ hoặc chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch và thành viên Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Kiểm soát viên, Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc, Kế toán trưởng của doanh nghiệp.
Đại diện cơ quan thẩm tra dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, dự thảo luật quy định các trường hợp doanh nghiệp không được đầu tư vốn nhằm "khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của doanh nghiệp trên cơ sở nhiệm vụ được giao, ngành, nghề kinh doanh chính".
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng quy định không được đầu tư vốn vào một số lĩnh vực là hạn chế quyền của doanh nghiệp, thu hẹp phạm vi, lĩnh vực đầu tư và giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Nhà nước so với các loại hình doanh nghiệp khác.
Quy định như dự luật cũng chưa bao gồm trường hợp ngân hàng thương mại nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng được kiểm soát đặc biệt theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng. Do vậy, để bảo đảm bao quát, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, bổ sung quy định trong dự thảo Luật.