Khởi động chương trình Chuyển đổi số quốc gia tại Việt Nam

Chương trình CDA tại Việt Nam đã được định hướng chiến lược và xây dựng nhằm đảm bảo phù hợp với Chương trình chuyển đổi số Quốc gia của Chính phủ Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu nâng cao năng lực công nghệ của đất nước...

Chương trình tăng tốc chuyển đổi số quốc gia (CDA) vừa chính thức khởi động tại Việt Nam. Chương trình được công bố trong Hội nghị Cisco CXO Symposium diễn ra tại Đà Nẵng, chứng kiến mối quan hệ hợp tác công tư giữa Cisco và các đối tác tại Việt Nam nhằm thúc đẩy chương trình chuyển đổi số quốc gia.

Chương trình CDA tại Việt Nam tập trung vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đổi mới công nghệ và khả năng ứng phó đối với các vấn đề an ninh mạng thông qua việc nâng cấp cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông của quốc gia.

“Chương trình CDA là cầu nối liên kết mục tiêu chuyển đổi số của quốc gia với những lợi ích của xã hội số. Mô hình này dựa trên mức độ tin cậy cao và sự cam kết đồng hành giữa các đối tác trong hệ sinh thái thuộc các khu vực công và tư nhân. Chúng tôi rất vui mừng khi mang chương trình thành công rực rỡ trên toàn cầu này tới Việt Nam. Chúng tôi mong muốn được hợp tác với Chính phủ Việt Nam và các doanh nghiệp trong nước để xây dựng các cộng đồng bền vững, an toàn và toàn diện thông qua việc cùng đầu tư vào đào tạo kỹ năng số và đổi mới sáng tạo,” Tiến sĩ Guy Diedrich, Phó Chủ tịch cấp cao và Giám đốc đổi mới toàn cầu tại Cisco chia sẻ.

Chương trình CDA tại Việt Nam sẽ triển khai một vài sáng kiến quan trọng, tập trung vào ba trụ cột chính:

Chuyển đổi số trong hạ tầng quốc gia: Cisco sẽ hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ trong nước để cùng phát triển 5G, đồng thời trang bị cho các công ty này những kỹ năng cần thiết và các bài học thực tiễn tốt nhất về phát triển và đổi mới mạng lưới. Mạng 5G là một cơ sở hạ tầng quan trọng trong chương trình chuyển đổi số của Việt Nam. Sự phát triển của nó sẽ tăng cường việc truyền dữ liệu, thúc đẩy năng suất kinh doanh và cải thiện kết nối cộng đồng.

Chuyển đổi số trong doanh nghiệp: Trang bị cho ngành dịch vụ tài chính và ngành sản xuất với công nghệ hàng đầu, đồng thời đầu tư vào việc đồng phát triển các giải pháp số tiên tiến nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trên toàn ngành. Điều này sẽ tăng cường khả năng cạnh tranh của các ngành dịch vụ tài chính và sản xuất của Việt Nam, từ đó thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế.

Chuyển đổi số trong khu vực công: Hợp tác với các đơn vị công nhằm nâng cao cơ sở hạ tầng kỹ thuật số quốc gia cho Chính phủ Việt Nam. Các sáng kiến trong trụ cột này sẽ hỗ trợ việc thiết lập chính phủ số, cải thiện quản lý đô thị và thúc đẩy cộng đồng phát triển một cách toàn diện hơn.