Phụ nữ và trẻ em là những đối tượng nhạy cảm, dễ bị tổn thương trên mạng xã hội, là đối tượng của nhiều hành vi gây mất an toàn như bắt nạt, làm nhục, bạo lực, dụ dỗ, lừa đảo, mua bán người... Những hành vi trên tác động tiêu cực tới mọi mặt đời sống, công tác, học tập của phụ nữ và trẻ em, từ đó ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng sống của họ. Chính vì vậy, việc cấp thiết hiện nay là chúng ta cần chung tay xây dựng, bảo vệ an toàn cho phụ nữ, trẻ em trên không gian mạng.
Cơ hội và rủi ro từ internet
Tờ Gazeta cho hay, sự phát triển mạnh mẽ của internet những năm gần đây đã mở ra cho phụ nữ, trẻ em những cơ hội lớn để tiếp cận thế giới thông qua không gian mạng, từ việc học tập, giải trí và mua bán trực tuyến... Tuy nhiên, việc sử dụng internet với tần suất lớn và không được kiểm soát đã khiến nhiều phụ nữ, trẻ em trở thành nạn nhân của các hành vi tấn công, lạm dụng trên không gian này.
Thời gian qua, có nhiều vấn đề xảy ra, gây mất an toàn cho phụ nữ và trẻ em trên không gian mạng. Phụ nữ là nạn nhân của nhiều hành vi bạo lực, lừa đảo tinh vi trên internet. Theo kết quả nghiên cứu năm 2021 trên tổng số 698 phụ nữ, gần 40% bị mất dữ liệu bí mật, quan trọng; 30% bị quấy rối trên không gian mạng; không ít trường hợp bị phỉ báng, rình rập, bị lấy thông tin để giả mạo vào mục đích xấu, bị cắt ghép hình ảnh để bôi nhọ; kẻ xấu giả danh các sàn thương mại điện tử để tặng quà có giá trị; trả đơn hàng để hưởng hoa hồng chiết khấu cao; mời chào làm công việc đơn giản như “thả tim” hay “like” nhằm tăng tương tác rồi nhận tiền...
Thực tế, đã có rất nhiều người bị lừa số tiền lớn, lên đến hàng trăm nghìn USD. Theo khảo sát của tổ chức phi chính phủ Plan International năm 2023, gần 50% số thiếu nữ tham gia khảo sát cho biết họ bị đe dọa bạo lực thể chất, tình dục trên không gian mạng. Các vụ tấn công phổ biến nhất là trên Facebook với 39% thiếu nữ đã bị quấy rối, tiếp đến là Instagram (23%), WhatsApp (14%), Snapchat (10%), Twitter (9%) và TikTok (6%). Các đối tượng xấu tiếp cận phụ nữ với cách thức khá giống nhau như bắt chuyện, làm quen, sau đó là lời nói thô tục, gửi clip đồi trụy, rồi dụ dỗ, lôi kéo, thậm chí ép buộc họ tham gia các hành vi liên quan tình dục, dâm ô và lạm dụng vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức.
Còn đối với trẻ em, đây là nhóm tiếp xúc nhanh, nhạy cảm với môi trường mạng xã hội như Facebook, Twitter, TikTok..., nhưng cũng là nhóm dễ bị tổn thương và rủi ro nhất trên không gian mạng. Trẻ tiếp cận thông tin theo chiều tích cực và tiêu cực từ mạng xã hội, nhưng bản thân lại chưa đủ năng lực và kinh nghiệm để nhận diện hành vi “tốt - xấu”, “đúng - sai”. Vì vậy, trẻ em dễ trở thành nạn nhân của nạn bắt nạt, nói xấu, kích động, lừa đảo, buôn bán người, lạm dụng tình dục... trên không gian mạng.
Tổ chức theo dõi internet (IWF) cho hay, kể từ năm 2019, số trang web hiển thị các hình ảnh và video lạm dụng tình dục trẻ em đã tăng 1.058% - một con số kỷ lục, đáng báo động. Năm 2020, IWF cũng phát hiện hơn 25.000 trang web có chứa nội dung xâm hại trẻ em thuộc loại nghiêm trọng nhất. Con số này đã tăng gấp đôi trong năm 2022. Theo dữ liệu thống kê do Trung tâm quốc gia về trẻ em mất tích và bị bóc lột (NCMEC) của Mỹ công bố, trong năm 2010, chỉ có khoảng 1 triệu báo cáo về các tài liệu lạm dụng tình dục trẻ em, song số báo cáo đã tăng vọt lên 29,3 triệu vụ vào năm 2021 và hơn 32 triệu vụ vào năm 2022.
Lạm dụng tình dục chỉ là một trong những nguy cơ mà trẻ em phải đối mặt khi sử dụng internet. Không giống lời nói trực tiếp, những bình luận và hình ảnh bắt nạt thường lan truyền nhanh và được lưu lại trên internet, khiến nạn nhân có cảm giác không tìm thấy lối thoát. Ngoài ra, trẻ em cũng là mục tiêu của thông tin độc hại và tin giả (fake news). Với bản tính tò mò và ham khám phá, trẻ em thường bị dẫn dụ và thuyết phục bởi những thông tin giả mạo giật gân, độc lạ. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều em trở thành nạn nhân của các trào lưu nguy hiểm. Cách đây vài năm, các trào lưu thử thách “cá voi xanh” và thử thách Momo đã dẫn đến hàng trăm vụ trẻ em tự tử thương tâm.
Tăng cường bảo vệ phụ nữ và trẻ em
Theo tờ Izvestia, trước những rủi ro và nguy cơ mất an toàn ngày càng tăng trên internet đối với phụ nữ, trẻ em, chính phủ các nước đã và đang thúc đẩy các chính sách mới nhằm mang lại một không gian mạng an toàn, như tăng cường cơ sở pháp lý, ban hành các quy định quản lý chặt chẽ đối với việc sử dụng internet và yêu cầu bảo mật đối với các trang mạng xã hội; áp dụng chế tài nghiêm khắc để xử lý các hành vi vi phạm, gây mất an toàn trên không gian mạng cho tất cả mọi công dân, cho phụ nữ và trẻ em.
Năm 1998, Quốc hội Mỹ thông qua Công ước về bảo vệ quyền riêng tư trên mạng của trẻ em. Ở cấp độ bang, Mỹ áp dụng Đạo luật về quyền riêng tư của người tiêu dùng California (CCPA). Ngoài hai đạo luật trên, Chính phủ Mỹ cũng tích cực xây dựng các luật mới để bảo vệ trẻ em tốt hơn trước những cám dỗ ngày càng tinh vi trên mạng. Mỹ đang buộc các nền tảng như YouTube hay TikTok hạn chế quảng cáo và cấm các tính năng tự động phát video tiếp theo trong các nội dung dành cho trẻ em.
Để giải quyết tình trạng phát tán số lượng tài liệu lạm dụng trẻ em trên mạng nhiều nhất khu vực, Liên minh châu Âu (EU) ban hành “Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số” (DSA), yêu cầu các công ty công nghệ và mạng xã hội phải có nhiều biện pháp hơn nữa để phát hiện, loại bỏ các hình ảnh lạm dụng tình dục trẻ em, đồng thời bảo vệ tốt hơn dữ liệu cá nhân của những đối tượng “yếu thế”. Pháp bắt buộc tất cả các mạng xã hội phải cho phép phụ huynh giám sát hoạt động của trẻ vị thành niên nhằm bảo vệ các em khỏi các nội dung không phù hợp như bạo lực hay khiêu dâm. Các đối tượng đăng thông tin bôi nhọ, sai sự thật trên không gian mạng có thể bị phạt tù 1 năm và phạt tiền lên đến gần 50.000 USD.
Tại châu Á, Australia áp dụng các nguyên tắc nghiêm ngặt nhất về kiểm soát độ tuổi đối trên internet, theo đó quy định người dùng dưới 16 tuổi tham gia mạng xã hội phải được cha mẹ đồng ý. Các công ty sở hữu mạng xã hội vi phạm sẽ chịu phạt tiền lên tới 7,5 triệu USD, 10% doanh thu hằng năm hoặc gấp 3 lần lợi ích tài chính.
Các nước Đông Nam Á là khu vực có người dùng internet tăng mạnh nhất, đã và đang tích cực đẩy mạnh thực hiện các biện pháp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Chẳng hạn đưa ra các yêu cầu khắt khe, buộc các mạng xã hội phải hành động đối với các nội dung “không phù hợp”, “độc hại”. bên cạnh việc thường xuyên nâng cao nhận thức sử dụng mạng xã hội cho học sinh, giáo viên và những người làm công tác giáo dục ở cấp cơ sở...
Đối với phụ nữ, Cơ quan LHQ về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) là dẫn đầu trong việc hỗ trợ thực hiện và phổ biến chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương; hỗ trợ các chính phủ, tổ chức phụ nữ, các tổ chức xã hội xây dựng, thực hiện các kế hoạch hành động quốc gia về Chương trình nghị sự của LHQ về phụ nữ, hòa bình và An ninh mạng (WPS). Trưởng Đại diện UN Women Việt Nam Elisa Fernandez (2023) cho biết, phụ nữ và trẻ em cần được bảo đảm an toàn khi họ tham gia môi trường không gian mạng.
Trước bối cảnh các rủi ro an ninh, an toàn đối với tầng lớp yếu thế, dễ bị tổn thương, để bảo đảm an toàn giúp họ có thể tự do tham gia không gian mạng mà không sợ bạo lực và xâm hại, giải pháp căn cơ hiện nay là tuyên truyền, giáo dục pháp luật nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật cho mỗi người dân, cùng nhau hợp tác để chấm dứt nạn quấy rối tình dục trên không gian mạng.
BẠCH DƯƠNG (Biên dịch)