Chiều ngày 9/4, tại Bắc Kinh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tiếp lãnh đạo các tập đoàn, công ty lớn trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Trung Quốc.
Tại cuộc gặp, Tổng giám đốc Tập đoàn Xây dựng điện lực Trung Quốc Vương Bân cho biết tập đoàn mong muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới.
Từ năm 2018, tập đoàn đã tập trung phát triển năng lượng sạch tại Việt Nam và đến nay đã tham gia xây dựng nhiều dự án năng lượng với tổng giá trị hợp đồng đạt hơn 9 tỷ USD, sử dụng 1.000 lao động.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, các lĩnh vực mà tập đoàn mong muốn đầu tư tại Việt Nam cũng chính là các lĩnh vực trọng điểm thu hút đầu tư trong và ngoài nước của Việt Nam.
Để thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26, Việt Nam đã phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn tới năm 2050 và mới đây, Thủ tướng đã ban hành kế hoạch thực hiện.
Đầu năm 2022, Quốc hội đã thông qua một luật và sửa chín luật, trong đó có Luật Điện lực và tới đây sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi luật toàn diện hơn để thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực này.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao quy mô, tiềm lực, trình độ công nghệ và hoan nghênh kế hoạch mở rộng đầu tư kinh doanh, sản xuất của tập đoàn tại Việt Nam thời gian tới.
Vào cuối năm 2023, trong buổi làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, ông Fu Yong, Chủ tịch Tập đoàn Thiết bị Power China – doanh nghiệp trực thuộc tập đoàn này, cho biết mong muốn được hợp tác với EVN, đặc biệt là trong các lĩnh vực thủy điện tích năng, mở rộng các nhà máy thủy điện hiện hữu, điện gió ngoài khơi…
Ngoài ra, ông Lưu Hoán Minh, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn BYD cũng đã đề cập đến kế hoạch đầu tư xe điện tại Việt Nam và đề xuất các chính sách ưu đãi về sản xuất và tiêu thụ xe năng lượng mới.
Về địa điểm thuê đất để đặt nhà máy sản xuất xe điện, theo thông tin tại Đại hội đồng cổ đông năm 2024 của Tập đoàn Gelex mới đây, đại diện Tập đoàn BYD đã sang Việt Nam, chọn Khu công nghiệp Phú Hà của Viglacera để tiến hành hoạt động nghiên cứu đầu tư. Viglacera, BYD và lãnh đạo tỉnh Phú Thọ có một quá trình đàm phán tương đối dài.
Tuy nhiên, việc thực hiện chính thức phụ thuộc vào chiến lược của BYD cũng như tình hình thị trường xe điện. Về phía Viglacera - đơn vị thành viên của Tập đoàn Gelex, công ty cũng đang dành khoảng 100ha đất thương phẩm sẵn sàng, nếu như BYD có nhu cầu.
Trước đó, Tập đoàn BYD cũng đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất với vốn đầu tư ban đầu gần 270 triệu USD tại tỉnh Phú Thọ từ năm 2021 và đi vào hoạt động từ tháng 8/2022. Nhà máy chủ yếu lắp ráp máy tính bảng và sản xuất các linh kiện điện tử cho sản phẩm máy bay không người lái siêu nhẹ.
Đến đầu năm 2023, BYD Việt Nam điều chỉnh đầu tư lần thứ hai thêm 184 triệu USD để đầu tư sản xuất linh điện điện tử có thành phần gốm, thuỷ tinh, kim loại, bo mạch đồ hoạ và sản xuất pin cho máy tính bảng và điện thoại. Dự án bắt đầu triển khai xây dựng vào tháng 5/2023.
Tiếp đó, vào tháng 8/2023, BYD Việt Nam tiếp tục điều chỉnh đầu tư lần thứ ba tăng thêm 144 triệu USD để sản xuất thêm sản phẩm modem cho trạm BTS 5G và 4G và pin lithium cho điện thoại, máy tính bảng và các sản phẩm điện tử. Dự án dự kiến bắt đầu triển khai đầu tư xây dựng vào tháng 10/2023.
Như vậy, BYD đã đăng ký đầu tư tổng cộng gần 600 triệu USD vào Phú Thọ chỉ trong một thời gian ngắn.
Trong khi đó, Tổng giám đốc Tập đoàn Đất hiếm Trung Quốc (CREG) Liu Leiyun cho biết tập đoàn mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ với Tập đoàn Công nghiệp Than Việt Nam và các đơn vị khác để triển khai hợp tác trong các lĩnh vực khoáng sản quan trọng.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao năng lực và kinh nghiệm của tập đoàn và cho rằng, ngành công nghiệp khoáng sản then chốt, trong đó có đất hiếm là ngành công nghiệp chiến lược, là nền tảng để phát triển nhiều ngành công nghiệp quan trọng khác trong bối cảnh hiện nay.
Việt Nam hoan nghênh các doanh nghiệp nghiên cứu và triển khai hợp tác trong lĩnh vực này nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với luật pháp của Việt Nam.
Còn Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Pin điện tử Haosen Dexi Dong cho biết công ty dự kiến thành lập cơ sở sản xuất mới tại Việt Nam.
Đồng thời, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp Trung Quốc cho biết đang quan tâm các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài và đánh giá Việt Nam là quốc gia có nhiều lợi thế về xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
Trao đổi với các doanh nghiệp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Việt Nam đã ban hành nhiều cơ chế ưu đãi như miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất và các chính sách khuyến khích khác để thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp mới.
Ông cho biết, Việt Nam đang chuẩn bị điều kiện cần thiết để tăng hợp tác đầu tư như đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ, điện tử và nhiều lĩnh vực khác.
Quốc hội, Chính phủ sẽ tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, chính sách nhằm thu hút nhiều tập đoàn, công ty quốc tế lớn đầu tư.
Không chỉ bốn doanh nghiệp trên, chỉ trong đầu năm nay, nhiều tập đoàn lớn khác của Trung Quốc cũng đã mở rộng đầu tư tại Việt Nam thông qua hình thức liên doanh, mua cổ phần.
Mới đây nhất là sự kiện ký kết hợp đồng liên doanh giữa Tập đoàn Geleximco và thương hiệu xe Omoda & Jaecoo để cùng xây dựng một nhà máy tại Thái Bình với công suất 200.000 xe/năm, vốn đầu tư ban đầu là 800 triệu USD.
Theo định hướng ban đầu, liên doanh này sẽ sản xuất những chiếc xe xăng – điện (xe hybrid) để phục vụ thị trường, thay vì tập trung hoàn toàn vào xe điện.
Ngoài ra, Liên doanh Công ty CP Đầu tư thương mại và công nghệ Minh Quang - Công ty TNHH Tập đoàn Khoa học công nghệ Huadian Trung Quốc cũng vừa đề xuất UBND tỉnh Quảng Trị đầu tư dự án nhà máy sản xuất hydro xanh tại cụm công nghiệp Đông Gio Linh vào đầu tháng 3/2024. Tổng vốn đầu tư gần 2,4 tỷ USD.
Bên cạnh đó, một trong những công ty cổ phần tư nhân lớn tại Trung Quốc - CDH Investments đã chính thức sở hữu 5% cổ phần Bách Hóa Xanh vào đầu tháng này.
Nhật Hạ