Mỹ yêu cầu ByteDance 'từ bỏ' TikTok hoặc đối mặt lệnh cấm

Công ty mẹ ByteDance phải thoái vốn khỏi TikTok hoặc đối mặt với lệnh cấm trên các cửa hàng ứng dụng và dịch vụ lưu trữ web.

ByteDance bị buộc phải thoái vốn TikTok hoặc đối mặt với lệnh cấm trên các cửa hàng ứng dụng và dịch vụ lưu trữ web.

Theo Reuters, ngày 8/3, Ủy ban Thương mại và Năng lượng của Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu về dự luật yêu cầu ByteDance - công ty mẹ TikTok, phải thoái vốn quyền sở hữu ứng dụng này trong vòng 6 tháng, hoặc đối mặt lệnh cấm hoạt động tại Mỹ.

Kết quả bỏ phiếu là tuyệt đối với 50 phiếu thuận và không có phiếu phản đối nào.

Theo dự luật, ByteDance phải thoái vốn quyền sở hữu ứng dụng TikTok, hoặc đối mặt với lệnh cấm trên các cửa hàng ứng dụng và dịch vụ lưu trữ web ở Mỹ.

Ông Raja Krishnamoorthi, thành viên Hạ viện Mỹ cho biết dự luật sẽ là công cụ để Tổng thống Mỹ "ép các ứng dụng nguy hiểm phải thoái vốn và bảo vệ an ninh cũng như quyền riêng tư của người Mỹ”.

Theo lãnh đạo phe đa số tại Hạ viện Steve Scalise - thành viên đảng Cộng hòa, Ủy ban sẽ đưa dự luật an ninh quốc gia quan trọng này tới Hạ viện Mỹ để bỏ phiếu vào tuần tới.

Trước cuộc bỏ phiếu, các nhà lập pháp đã được tham dự một buổi họp kín về các vấn đề an ninh quốc gia liên quan đến quyền sở hữu của Trung Quốc đối với TikTok.

Phản ứng sau kết quả bỏ phiếu, TikTok cho rằng lệnh cấm hoàn toàn trên sẽ gây thiệt hại cho 5 triệu doanh nghiệp nhỏ, hủy hoại sinh kế của hàng trăm triệu người sáng tạo nội dung trên khắp nước Mỹ và ngăn cản nghệ sỹ kết nối với khán giả.

TikTok cho biết ứng dụng này đã, đang và sẽ không chia sẻ dữ liệu người dùng của Mỹ với Chính phủ Trung Quốc.

Những lo ngại về TikTok đã khiến Quốc hội Mỹ nỗ lực tăng cường về mặt thẩm quyền để xử lý TikTok hoặc có thể cấm ứng dụng chia sẻ video này, và dự luật mới nói trên là động thái mới nhất trong nỗ lực này.

Khi được hỏi liệu dự luật có thể ảnh hưởng đến hoạt động của WeChat thuộc sở hữu công ty Tencent (Trung Quốc) ở Mỹ hay không, ứng dụng mà ông Trump cũng từng định cấm vào năm 2020, Nghị sĩ Mike Gallagher, Chủ tịch Ủy ban đặc biệt về Trung Quốc của Hạ viện, cho biết ông sẽ không suy đoán nhưng nói "trong tương lai, chúng ta có thể tranh luận xem công ty nào phải chịu ảnh hưởng của dự luật.”

Tin liên quan