Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (Dệt may TNG, mã cổ phiếu TNG) vừa công bố kế hoạch huy động 400 tỷ đồng qua kênh trái phiếu. Số tiền huy động được sẽ dùng để thanh toán lương nhân viên và mua nguyên phụ liệu.
Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (Dệt may TNG, mã cổ phiếu TNG - sàn HoSE) vừa thông qua việc chào bán trái phiếu ra công chúng.
Theo đó, Dệt may TNG dự kiến chào bán 4 triệu trái phiếu mã TNGH2428001 với mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu. Lãi suất áp dụng cho 4 kỳ tính lãi đầu tiên là 9,5%/năm. Trái phiếu có kỳ hạn 48 tháng kể từ ngày phát hành.
Tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu trên là 10 triệu cổ phiếu TNG của Dệt may TNG với tổng giá trị là 220,6 tỷ đồng.
Dự kiến Dệt may TNG sẽ phát hành lô trái phiếu trên từ quý 2 - quý 4/2024. Nếu đợt chào bán diễn ra thành công, Dệt may TNG có thể huy động tối đa 400 tỷ đồng.
Với số tiền trên, Dệt may TNG sẽ dùng 224 tỷ đồng để thanh toán lương cho nhân viên; còn lại 176 tỷ đồng để trả tiền nguyên phụ liệu, dịch vụ.
Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý 1/2024, Dệt may TNG ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.354 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, do chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng tới 10%, đồng thời doanh thu tài chính giảm tới 30% nên lợi nhuận sau thuế quý 1/2024 của Dệt may TNG đã giảm 4%, còn 42 tỷ đồng.
Theo Dệt may TNG, kết quả kinh doanh quý 1/2024 không đạt kỳ vọng là do đơn hàng trong quý đã được ký từ năm 2023 với giá thấp hơn so với các đơn hàng được ký mới trong năm nay.
Xem thêm: "Tận dụng làn sóng đơn hàng rời Bangladesh, Dệt may TNG chốt đủ đơn hàng đến quý 4/2024" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Tính đến ngày 31/3/2024, tổng tài sản của Dệt may TNG đạt 2.615 tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm. Trong đó, tiền và tương đương tiền đạt 251 tỷ đồng, giảm 11%.
Đáng chú ý, trong quý 1/2024, Dệt may TNG ghi nhận dòng tiền kinh doanh ở mức âm 144 tỷ đồng, so với mức âm 360 tỷ đồng của quý 1/2023.
Hiện hãng Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định biên lợi nhuận gộp trong quý 2/2024 của Dệt may TNG sẽ được cải thiện mạnh nhờ triển vọng từ tình hình đơn hàng khi các đối tác dần đẩy mạnh việc đặt hàng trở lại.
Ngoài ra, hoạt động kinh doanh của Dệt may TNG còn được thúc đẩy bởi việc dịch chuyển đơn hàng từ Bangladesh sang các quốc gia khác khi công nhân ngành dệt may tại nước này liên tục đình công trong thời gian dài.
Theo thông tin từ Chứng khoán Rồng Việt, Dệt may TNG hiện đã có đủ đơn hàng cho đến quý 4/2024 nhờ lấy được đơn hàng từ Bangladesh.
Hiện Dệt may TNG đang có kế hoạch mở rộng thêm 45 chuyền may tại Nhà máy Việt Thái – Sơn Cẩm, Việt Đức - Sơn Cẩm và Đồng Hỷ trong năm nay để phục vụ sản xuất theo đơn đặt hàng. Theo đó, công ty dự kiến nâng tổng công suất sản xuất thêm 15%.