Các ngân hàng trung ương liên tục mua gom, giá vàng sẽ sớm bứt phá?

Giá vàng gần đây đã đạt mức cao mới mọi thời đại và vẫn còn cơ hội để tăng hơn nữa khi một số quốc gia tiếp tục đẩy mạnh mua vào kim loại quý…

Các ngân hàng trung ương liên tục mua gom, giá vàng sẽ sớm bứt phá?

Các nhà phân tích của Citigroup tin rằng giá vàng có thể tăng lên 2.300 USD/ounce vào nửa cuối năm 2024, đặc biệt trong bối cảnh có kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm cắt giảm lãi suất.

Giá vàng vốn có mối quan hệ nghịch đảo với lãi suất. Khi lãi suất giảm, vàng trở nên hấp dẫn hơn so với các tài sản như trái phiếu - thường mang lại lợi nhuận yếu hơn trong môi trường lãi suất thấp.

Giá vàng thế giới hiện đang giao dịch ở ngưỡng 2.205 USD.

NHỮNG NGƯỜI MUA LỚN

Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) Shaokai Fan nhận định: “Các ngân hàng trung ương, những người đã mua vàng ở mức lịch sử trong hai năm qua, vẫn tiếp tục là người mua mạnh vào năm 2024”.

Các nhà quan sát thị trường nói với CNBC rằng những hoạt động mua này đã củng cố giá vàng trong thời gian qua bất chấp lãi suất vẫn đang được giữ nguyên và đồng USD mạnh lên.

Nhu cầu vật chất mạnh mẽ đối với vàng cũng được thúc đẩy bởi sự hấp dẫn của nó như một tài sản trú ẩn an toàn trong bối cảnh bất ổn địa chính trị. “Trong thập kỷ qua, Nga và Trung Quốc là hai khách hàng mua vàng lớn nhất. Tuy nhiên, việc mua vàng của các ngân hàng trung ương khác trong những năm gần đây cũng đã được mở rộng”, ông Aakash Doshi, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa Bắc Mỹ của Citigroup cho biết.

Trên thực tế, Trung Quốc là động lực hàng đầu cho cả nhu cầu tiêu dùng lẫn hoạt động mua vàng của ngân hàng trung ương, và quốc gia chưa hề có dấu hiệu giảm tốc.

Trong số các ngân hàng trung ương trên thế giới, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc là đơn vị mua vàng lớn nhất vào năm 2023. Sự phục hồi chậm chạp của nền kinh tế Trung Quốc và lĩnh vực bất động sản như hết khó khăn đã khiến nhiều nhà đầu tư hướng tới tài sản trú ẩn an toàn, trong khi đầu tư vàng cá nhân vẫn mạnh mẽ, WGC lưu ý.

Các ngân hàng trung ương liên tục mua gom, giá vàng sẽ sớm bứt phá? 2
Lượng mua vàng của các ngân hàng trung ương thế giới vào năm 2023

Bất ngờ thay, không phải Nga mà Ngân hàng trung ương Ba Lan là nước tiêu thụ vàng ròng lớn thứ hai, thu mua 130 tấn vàng thỏi vào năm 2023. Randy Smallwood, Giám đốc điều hành của Wheaton Precious Metals cho biết những thách thức từ cuộc chiến Nga-Ukraine ở ngay bên cạnh đã thúc đẩy mong muốn ổn định của Ba Lan.

Theo báo chí địa phương, thống đốc ngân hàng trung ương Ba Lan Adam Glapiński vào năm 2021 đã công bố kế hoạch mua 100 tấn vàng nhằm tăng cường an ninh tài chính của đất nước.

Xếp sau Ba Lan là Singapore, ghi nhận lượng mua vàng ròng cao thứ ba vào năm 2023 là 76,51 tấn, do Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS) thực hiện. Mặc dù MAS không tiết lộ lý do đưa ra quyết định hướng đầu tư vào vàng nhưng ông Shaokai Fan phỏng đoán rằng các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới nay ngày càng cảnh giác với những rủi ro địa chính trị từ các cuộc xung đột đang xảy ra trên thế giới.

“Có lẽ họ đã điều chỉnh việc phân bổ dự trữ phù hợp với quan điểm của họ về rủi ro”, ông Fan nhấn mạnh.

THỊ TRƯỜNG BÁN LẺ

Giá vàng “phi mã” cũng được thúc đẩy bởi hoạt động mua bán lẻ trang sức, vàng thỏi và tiền xu.

Ngoài việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc mua nhiều vàng nhất trong số các ngân hàng trung ương trên thế giới, thì quốc gia này còn ghi nhận lượng mua vàng bán lẻ cao nhất.

“Ở cấp độ người tiêu dùng bán lẻ, Trung Quốc là nhân tố chính tạo ra nhu cầu vàng mạnh mẽ vào năm ngoái khi các cá nhân chuyển sang vàng để đa dạng hóa danh mục đầu tư bên cạnh các nhóm tài sản khác”, ông Shaokai Fan giải thích thêm.

Theo dữ liệu từ Hội đồng Vàng Thế giới, Trung Quốc đã vượt Ấn Độ để trở thành quốc gia mua trang sức vàng lớn nhất thế giới vào năm 2023. Người tiêu dùng Trung Quốc đã mua 603 tấn trang sức vàng vào năm ngoái, tăng 10% so với năm 2022.

Cùng với Trung Quốc, tiêu dùng vàng ở Ấn Độ cũng thuộc nhóm nhu cầu lớn nhất thế giới, đặc biệt là trong mùa cưới ở nước này, thường rơi vào giai đoạn tháng 1 đến 3 cũng như tháng 10 đến tháng 12.

“Vàng thường là hình thức quà tặng có giá trị cao nhất ở Ấn Độ. Vàng thực sự là một phần quan trọng của mùa cưới”, CEO Randy Smallwood của công ty kim loại quý Wheaton Precious Metals chia sẻ.

Các ngân hàng trung ương liên tục mua gom, giá vàng sẽ sớm bứt phá? 3
Nhu cầu đối với trang sức vàng tại Ấn Độ thường tăng cao trong giai đoạn mùa cưới, từ tháng 1 đến tháng 3 và tháng 10 đến tháng 12 hàng năm

Tuy nhiên, dù nhu cầu mua vàng vẫn trên đà tăng đáng kể, thì giá cả cao hơn có thể gây ảnh hưởng đến các động lực chính. Cụ thể, nhu cầu tiêu thụ trang sức vàng của Ấn Độ đã giảm 6% xuống 562,3 tấn vào năm 2023 so với một năm trước đó. Ngược lại, đầu tư của Ấn Độ vào vàng miếng và vàng xu đã tăng 7% so với cùng kỳ năm 2022. Nhu cầu vàng từ ngân hàng trung ương nước này cũng tiếp tục tăng mạnh, với việc Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ mua 8,7 tấn vàng trong tháng 1/2024, đánh dấu mức mua hàng tháng cao nhất kể từ tháng 7/2022.

Theo hồ sơ của WGC, ngoài Trung Quốc và Ấn Độ, nhu cầu vàng của Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2023 cũng gần gấp đôi so với 2022.

Lạm phát tiêu dùng tăng không ngừng, nhiều lĩnh vực để đầu tư thay thế bị hạn chế và sự bất ổn chính trị trong nước đã thúc đẩy nhu cầu của người dân đối với kim loại vàng. “Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận nhu cầu mạnh mẽ trên thị trường bán lẻ, khi các nhà đầu tư đổ xô vào vàng để bảo vệ danh mục đầu tư của mình trước những biến động tiềm tàng của đồng lira”, ông Shaokai Fan phân tích.

Cụ thể, lạm phát giá tiêu dùng hàng năm của Thổ Nhĩ Kỳ gần đây đã tăng lên 67,07% trong tháng 2/2024. Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã mất 40% giá trị so với đồng USD trong năm qua và hiện giao dịch ở mức thấp kỷ lục.