Nhà đầu tư nước ngoài lo ngại thiếu điện

Nhu cầu của bất kỳ nhà đầu tư nào là sự ổn định của nguồn cung cấp năng lượng và khả năng tiếp cận năng lượng tái tạo ngay lập tức.

Ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, cho biết các doanh nghiệp xứ kim chi, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ cao như bán dẫn, mong muốn đầu tư vào Việt Nam nhưng lại chần chừ vì lo ngại nguy cơ thiếu điện.

Lập trường của các doanh nghiệp toàn cầu khác trong lĩnh vực công nghiệp cao mà Chính phủ Việt Nam mong muốn thu hút đầu tư cũng tương tự.

Các công ty Hàn Quốc hiện rất quan tâm đến các ngành sử dụng nhiều công nghệ, phù hợp với xu hướng thân thiện môi trường như điện mặt trời áp mái.

Tuy nhiên, họ đang ngần ngại việc tiến hành đầu tư do việc cung cấp điện không ổn định và các quy định pháp luật liên quan chưa rõ ràng, ông Hong Sun cho biết tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam tổ chức sáng nay.

Theo đó, ông kiến nghị Chính phủ Việt Nam có phương án cung cấp điện thông suốt trong các khu công nghiệp, để các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Hàn Quốc, có thể duy trì hoạt động sản xuất ổn định.

Nhà đầu tư nước ngoài lo ngại thiếu điện
Ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam sáng nay. Ảnh: HA

“Nếu không có nguồn điện ổn định, giá cả phải chăng, và nguồn cung cấp điện bền vững, nhiều mục tiêu sẽ khó có thể đạt được”, ông Joseph Uddo, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ (AmCham) tại Hà Nội, cũng nhấn mạnh tại diễn đàn.

Ông khẳng định, một trong các nhu cầu chính của tất cả doanh nghiệp và bất kỳ nhà đầu tư trong tương lai đó là nhu cầu về sự ổn định của nguồn cung cấp năng lượng và khả năng tiếp cận năng lượng tái tạo ngay lập tức.

Theo đó, duy trì các hệ thống năng lượng hoạt động là mục tiêu thiết yếu của quản trị năng lượng tốt. Cùng với đó, cung cấp cho các nhà đầu tư khả năng tiếp cận năng lượng tái tạo giúp cho đất nước có lợi thế cạnh tranh hơn.

Ông cho rằng, cách tiếp cận hợp tác giữa khu vực công và tư nhân là điều cần thiết để phát triển nguồn điện bền vững, đáng tin cậy và giá cả phải chăng.

Ngoài ra, Việt Nam có thể thu hút nguồn tài chính toàn cầu nhờ hệ thống quản lý năng lượng hiệu quả.

Đại diện AmCham khuyến nghị cần tiếp tục đối thoại giữa Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các bên liên quan trong khu vực tư nhân.

Điều này nhằm có thể đưa ra các giải pháp khả thi ngắn hạn và dài hạn để Việt Nam đáp ứng nhu cầu an ninh năng lượng, bao gồm thúc đẩy phê duyệt các dự án khí tự nhiên hóa lỏng quy mô lớn để hỗ trợ an ninh năng lượng.

Cơ sở hạ tầng năng lượng không thể được thiết lập trong một sớm một chiều và việc lập kế hoạch cho sự tăng trưởng bền vững của Việt Nam cần phải được thực hiện ngay từ bây giờ.

“Chúng ta cần loại bỏ những bất ổn về quy định và hướng sự tập trung mới vào việc phê duyệt các dự án trong ngắn hạn có tính thực tế và khả thi về mặt tài chính, để đảm bảo nguồn cung cấp điện đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng ở đây”, ông nhấn mạnh.

AmCham khuyến nghị Chính phủ Việt Nam xem xét điều chỉnh các thỏa thuận mua bán điện theo tiêu chuẩn quốc tế, tạo điều kiện cho các tổ chức đa phương và tổ chức tài chính cho vay các dự án lớn về chuyển đổi năng lượng và lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Các nhà đầu tư hiện tại cần các quy định hợp lý hơn để có thể cung cấp năng lượng tái tạo, vì nhiều nhà đầu tư mới và các dự án mở rộng cần có khả năng tiếp cận năng lượng tái tạo để xem xét đầu tư.

Những vấn đề then chốt bao gồm việc triển khai quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, xây dựng nghị định về phát triển điện mặt trời trên mái nhà, tiếp cận năng lượng tái tạo trong các khu công nghiệp và hướng dẫn cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp.

Tin liên quan