500 tỷ đồng nợ xấu của Vicoland tại VietABank

Thanh tra Chính phủ phát hiện VietABank phân loại nợ chưa đúng quy định đối với khoản nợ của Vicoland Group năm 2018. Ngân hàng đã chuyển nợ sang nhóm 5 và trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ từ tháng 12/2020.

Thanh tra Chính phủ vừa có thông báo kết luận thanh tra về việc thực hiện đề án tái cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và đề án xử lý nợ xấu giai đoạn 2013 - 2017. Qua kiểm tra việc cấp tín dụng tại 5 ngân hàng, cơ quan thanh tra phát hiện nhiều thiếu sót, vi phạm trong quy trình cho vay, một số khác hàng chậm trả gốc lãi, có tình trạng tập trung tín dụng cho một số khách hàng...

Riêng tại Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank), Thanh tra Chính phủ kiểm tra 14 hồ sơ cấp tín dụng, với tổng dư nợ tại thời điểm 31/8/2018 là 6.510 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 17,28% tổng dư nợ cho vay của VietABank.

Kết quả cho thấy ngân hàng thẩm định, phê duyệt cho vay khi dự án chưa có đầy đủ hồ sơ pháp lý, chủ đầu tư không đủ điều kiện thực hiện dự án; thẩm định, xác định doanh thu, chi phí thực hiện dự án đầu tư không chính xác; thu thập không đầy đủ chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn vay.

VietABank phân loại nợ chưa đúng quy định theo Nghị quyết số 42 của Quốc hội (gồm 2 khách hàng: Công ty Tập đoàn Xây dựng và Phát triến Nhà Vicoland, Công ty Điện Bình Thuỷ Lâm Đồng); cơ cấu nợ không đúng quy định tại Thông tư 02 và Thông tư 09 của NHNN (Công ty Đầu tư Toàn cầu). Theo quy định các khách hàng nêu trên phải chuyến từ nợ nhóm 1 sang nợ nhóm 4, nhóm 5.

Đồng thời Thanh tra Chính Phủ tiến hành kiểm tra 10 khách hàng của VietABank, dư nợ 4.860 tỷ đồng. Các khách hàng này được chia làm 4 nhóm, gồm: Nhóm 6 khách hàng là Công ty TNHH Đầu tư đô thị An Phú; Công ty TNHH Thương mại xây dựng và Đầu tư Hà Thủy; Công ty CP Dịch vụ Đầu tư nhà đất Nhật Anh; Công ty TNHH Địa ốc Phú Gia Green; Công ty TNHH Đầu tư Đô thị Gia Phát; Công ty CP Đầu tư Bất động sản Vạn Phúc, vay góp vốn hợp tác đầu tư thực hiện các dự án đối ứng của Dự án Xây dựng tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên.

Nhóm 2 khách hàng là Công ty CP Đầu tư PHD và Công ty CP Đầu tư Phát triển Hưng Thịnh Việt Nam vay góp vốn hợp tác đầu tư thực hiện Dự án Khu đô thị mới Tây Nam Kim Giang;

Công ty TNHH Họp tác Thương mại Nam Bình vay góp vốn hợp tác đầu tư xây dựng Dự án Khu nhà ở cao tầng, dịch vụ tại ô đất quy hoạch ký hiệu CT8 thuộc KĐT mới Mỹ Đình;

Cuối cùng Công ty TNHH XD Thương mại và Dịch vụ LT vay góp vốn họp tác đâu tư thực hiện Dự án Khu tái định cư phục vụ xây dựng Khu đô thị mới Hà Nội.

Theo cơ quan thanh tra, VietABank cho khách hàng vay góp vốn theo các họp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh ký với chủ đầu tư dự án, bản chất là giải ngân vốn cho chủ đầu tư để thực hiện dự án. Trong khi các dự án chưa có đầy đủ hồ sơ pháp lý, chưa đủ điều kiện huy động vốn; các hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh không có hiệu lực pháp lý theo quy định tại Nghị định số 99/2015/NĐ-CP của Chính phủ, vi phạm quy định về điều kiện vay vốn của NHNN.

Theo báo cáo của NHNN, đến thời điểm 10/10/2021 có 12/14 khách hàng trên đã tất toán; còn 2 khách hàng còn dư nợ là Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng và Phát triển Nhà Vicoland (Vicoland Group), dư nợ 500 tỷ đồng, nợ nhóm 5; Công ty Cổ phần Đầu tư PHD, dư nợ 483 tỷ đồng, nợ nhóm 1. Được biết, khoản nợ của Vicoland Group đã chuyển nợ nhóm 5 và trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ từ tháng 12/2020.

Vicoland Group được giới thiệu là một tập đoàn đa ngành được thành lập năm 2011 do ông Bùi Đức Long làm Chủ tịch HĐQT. Hiện công ty đang hoạt động trong các lĩnh vực bất động sản, du lịch, giáo dục, công nghệ, tài chính và thời trang. Đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Vicoland Group đạt hơn 2.544 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 1.216 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực bất động sản - du lịch, Vicoland đang phát triển chuỗi dự án nghỉ dưỡng cao cấp Risemount. Hiện đã có dự án Risemount Premier Resort Đà Nẵng đi vào hoạt động từ năm 2016. Vicoland Group cũng đứng sau T99 Group, hệ thống cung cấp dịch vụ tài chính cá nhân như cầm đồ, môi giới bất động sản...

Trở lại với VietABank, theo báo cáo tài chính quý 1/2023, tổng tài sản của ngân hàng là 94.792 tỷ đồng, giảm 10.356 tỷ đồng so với cuối năm 2022. Ngân hàng đang cho vay hơn 66.000 tỷ đồng với tỷ lệ nợ xấu chỉ 1,4%, tương đương khoảng 950 tỷ đồng, chủ yếu là nợ có khả năng mất vốn (907 tỷ đồng). Trong khi đó ngân hàng huy động được 77.000 tỷ đồng từ các khoản tiền gửi khách hàng, tăng 10% trong quý đầu năm.

Báo cáo tài chính của VietABank cũng cho thấy, tỷ lệ tài sản có khác chiếm hơn gần 11% tổng tài sản với chủ yếu là các khoản phải thu, bao gồm lãi và phí phải thu (khoảng 6.278 tỷ đồng).