Giá vàng thế giới tiếp đà tăng cao, trong nước nhảy thêm 150.000 đồng/lượng

Giá vàng thế giới trong ngày hôm nay 14/7 tiếp tục chứng kiến đà tăng mạnh nhờ tâm lý lạc quan của thị trường. Giá vàng trong nước cũng bật tăng, với mức tăng cao nhất thêm 150.000 đồng…

Giá vàng thế giới trong sáng nay ngày 14/7 tiếp tục chứng kiến đà tăng, cụ thể giá vàng giao ngay tăng 3,5 USD lên mức 1.960 USD/ounce. Giá vàng tương lai tháng 8 giao dịch lần cuối ở mức 1.963,8 USD/ounce, tăng 1,8 USD so với rạng sáng ngày trước đó.

Giá vàng có được mức tăng như kể trên và giữ được mức cao nhất trong 3 tuần khi báo cáo lạm phát của Mỹ được công bố cho thấy ở mức nhẹ một chút so với dự tính của thị trường. Giá vàng tháng 8 tăng 24,60 USD lên 1.961,70 USD.

Báo cáo cho thấy chỉ số giá tiêu dùng CPI cho tháng 6 tăng 3,0%, so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn một chút so với mức tăng dự kiến là 3,1% và so với mức tăng 4,0% trong báo cáo tháng 5. CPI cốt lõi (không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động) tăng 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái và 0,2% so với tháng 5. Con số này thấp hơn mức dự báo của các nhà kinh tế là 5% và 0,3%.

giá vàng

Nhìn chung, theo các chuyên gia, dữ liệu lạm phát tháng 6/2023 có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) “thở phào”. George Mateyo, giám đốc đầu tư của Key Private Bank cho rằng đã có chuyển biến tích cực. Lạm phát có vẻ đã hạ nhiệt. Fed nhận định, báo cáo tháng 6 là minh chứng cho thấy các chính sách thắt chặt tiền tệ của họ đã đem lại tác dụng khi lạm phát giảm trong bối cảnh nền kinh tế không bị đình trệ.

Nhà phân tích Nigel Green của deVere Group cho rằng, Mỹ có khả năng thực hiện một cú “hạ cánh mềm” hoàn hảo khi nền kinh tế lớn nhất thế giới này tránh được suy thoái khi dữ liệu lạm phát mới nhất thấp hơn dự kiến. Dữ liệu CPI của Mỹ làm tăng hy vọng rằng Fed sẽ có thể giảm lạm phát mà không đẩy nền kinh tế vào suy thoái.

Chuyên gia này nói thêm, các dữ liệu mới cho thấy, cuộc chiến chống giá cả leo thang đang giành chiến thắng. Điều đó có nghĩa là áp lực đối với các đợt tăng lãi suất trong tương lai của Fed sẽ giảm bớt. Đây là một kịch bản có lợi cho vàng.

Các chuyên gia cho rằng vàng đang hoạt động trong môi trường thuận lợi. Bên cạnh áp lực lãi suất giảm, nhu cầu từ các ngân hàng trung ương và xu hướng phi đô la hóa đang diễn ra trên toàn cầu.

Những diễn biến hiện tại ngày càng củng cố nhận định giá vàng có thể lập đỉnh vào cuối năm nay. Theo đó, trong báo cáo triển vọng giữa năm được công bố vào tuần trước, Nicky Shiels, chiến lược gia kim loại tại MKS PAMP, cho biết đang duy trì mức giá trung bình dự kiến cuối năm 2023 là 1.930 USD/ounce, ngay cả khi giá có thể duy trì xu hướng giảm trong thời gian tới.

Cũng trong sáng nay, giá vàng trong nước tiếp tục đà tăng với mức tăng cao nhất 150.000 đồng. Cụ thể, giá vàng DOJI tại khu vực Hà Nội được điều chỉnh tăng 150.000 đồng ở cả 2 chiều lên lần lượt 66,7 triệu đồng/lượng mua vào và 67,35 triệu đồng/lượng bán ra. Tại TP Hồ Chí Minh, vàng thương hiệu này đang mua vào ngang mức ở Hà Nội và bán ra thấp hơn 150.000 đồng so với khu vực Hà Nội, tăng 100.000 đồng so với rạng sáng ngày trước đó.

gia-vang-the-gioi-tiep-da-tang-manh_64b0af6ee3da7.jpg

 

Vàng SJC ở khu vực Hà Nội đang mua vào mức 66,75 triệu đồng/lượng và bán ra mức 67,37 triệu đồng/lượng. Tại TP Hồ Chí Minh, vàng SJC vẫn đang mua vào mức tương tự như ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng. Như vậy, so với rạng sáng ngày trước đó, giá vàng SJC đã tăng 150.000 đồng ở cả 2 chiều.

Rạng sáng 14/7, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD giảm mạnh 14 đồng, hiện ở mức 23.758 đồng. Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào - bán ra giảm, hiện ở mức: 23.400 đồng - 24.895 đồng.

Tỷ giá USD ngân hàng, tỷ giá ngoại tệ hôm nay và giá đô hôm nay trong nước sáng nay ghi nhận hàng loạt điều chỉnh giảm tại các ngân hàng. Cụ thể, tại Vietcombank mức mua vào là 23.475 và mức bán ra là 23.815.

Tỷ giá USD trên thị trường tự do ghi nhận quanh mức 23.614 VND chiều mua và 23.674 VND chiều bán, giảm nhẹ ở cả hai chiều so với phiên trước.