Trong tuần giao dịch vừa qua (7/8 - 11/8), thị trường ghi nhận 12 mã cổ phiếu ngân hàng tăng, 13 mã giảm và 2 mã đứng giá…
Sau nhiều tuần “tràn ngập” trong sắc xanh thì đến tuần giao dịch 7/8 - 11/8, nhóm cổ phiếu “vua” có sự phân hóa mạnh với 12 mã tăng, 13 mã giảm và 2 mã đứng tham chiếu.
Theo ghi nhận, STB của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) là mã có đà tăng tốt nhất với mức +10%, với 3 trên 5 phiên tăng trên 3,5%. Hiện tại, cổ phiếu này đang kết tuần ở mức 31.850 đồng/cổ phiếu.
Đứng ở vị trí thứ 2 là cổ phiếu LPB của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu điện Liên Việt (LPBank) với mức tăng mạnh +7,8%, sau nhiều phiên tăng kịch trần ngay từ đầu tuần. Đóng cửa tuần, cổ phiếu LPB hiện dừng ở mức 18.600 đồng/cổ phiếu.
Trong tuần giao dịch vừa qua, thị trường cũng ghi nhận nhiều mã cổ phiếu ngân hàng với mức tăng trên 3%. Cụ thể, OCB (+6,7%), NVB (+5,4%), SSB (+4,8%) và CTG (+3,5%). Tương tự, một số cổ phiếu ngân hàng cũng có diễn biến tích cực trong tuần qua là: VAB (+2,5%); EIB (+1,9%); KLB (+0,8%); ABB (+0,5%); VCB (+0,3%); TCB (+0,1%).
Đáng chú ý, trong tuần trước, SGB là mã cổ phiếu ngân hàng có mức tăng mạnh nhất, lên đến +35%. Đến tuần này, cổ phiếu SGB quay đầu giảm mạnh với mức điều chỉnh -12,6%. Kế tiếp là mã ACB với mức giảm -6,1%, kết tuần ở mức 22.900 đồng/cổ phiếu. Giống với SGB, ACB đã có một tuần trước đó tăng giá tích cực.
Bên cạnh đó, trong tuần giao dịch vừa qua, thị trường cũng ghi nhận nhiều mã cổ phiếu ngân hàng kết tuần trong sắc đỏ, tuy nhiên mức điều chỉnh không lớn. Trong đó bao gồm, MBB (-0,5%); HDB (-0,6%); PGB (-0,8%); VPB (-0,9%); BVB (-1,4%); VBB (-1,5%); TPB (-1,6%); VIB (-2,1%); SHB (-2,6%); NAB (-3,2%); BID (-3,5%).
Trong tuần giao dịch 7/8 - 11/8 ghi nhận 2 mã cổ phiếu ngân hàng đứng giá là BAB của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bắc Á và MSB của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng hải Việt Nam.
Thanh khoản của toàn ngành tiếp tục ở mức cao trong tuần này khi xuất hiện thêm nhiều giao dịch lớn. Cụ thể, tuần qua có tổng cộng hơn 1,2 tỷ cổ phiếu ngân hàng được giao dịch giữa các nhà đầu tư, tương đương với giá trị đạt 27.800 tỷ đồng.
Trong đó, ngân hàng ACB đứng đầu toàn ngành với giá trị giao dịch lên tới 5.137 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với tuần trước đó. Đáng chú ý, ở phiên đầu tuần, có hơn 122 triệu cổ phiếu ACB được giao dịch theo phương thức thỏa thuận, tương đương với giá trị hơn 3.200 tỷ đồng.
Khối lượng này gần khớp với lượng cổ phiếu mà Dragon Capital bán ra trong phiên 7/8. Quỹ ngoại Dragon Capital đã bán ra gần 121 triệu cổ phiếu ACB, tương đương hơn 3,1% cổ phiếu của ngân hàng.
Sau giao dịch, Dragon Capital chỉ nắm giữ gần 148 triệu cổ phiếu ACB, tương đương 3,8% cổ phiếu. Do tỷ lệ sở hữu tụt xuống dưới 5%, Dragon Capital đã không còn là cổ đông lớn của ngân hàng ACB kể từ ngày 7/8.
STB vẫn duy trì được thanh khoản ở mức cao, với 4.637 tỷ đồng, bỏ xa mức 2.331 tỷ đồng của EIB đứng sau đó. Ngoài ra, mã SGB của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) cũng tiếp tục khiến nhiều nhà đầu tư quan tâm khi thanh khoản tuần này đạt gần 1.500 tỷ đồng, cao gấp đôi so với tuần trước và gấp nhiều lần các tuần trước đây.
Ghi nhận tại phiên 8/8, cổ phiếu này ghi nhận 58 triệu cổ phiếu được giao dịch theo phương thức thỏa thuận, tương đương 19% vốn điều lệ của Saigonbank. Theo dữ liệu giao dịch, khối lượng cổ phiếu được giao dịch này đến từ các nhà đầu tư nước ngoài.
Tuần qua, khối ngoại đã mua ròng 1.127 tỷ đồng cổ phiếu SGB, mức cao nhất toàn thị trường. Ngoài ra, nhóm này còn mua ròng 190 tỷ đồng cổ phiếu CTG và 167 tỷ đồng STB. Ở chiều ngược lại, khối ngoại bán ròng 144 tỷ đồng VPB và 110 tỷ đồng VCB.
Khối tự doanh có xu hướng giảm tỷ trọng cổ phiếu ngân hàng khi bán ròng 231 tỷ đồng cổ phiếu VPB và 181 tỷ đồng ACB, 122 tỷ đồng VIB, 110 tỷ đồng STB và 75 tỷ đồng MBB.
Trong tuần qua, nhiều ngân hàng liên tiếp tung ra hàng loạt chương trình ưu đãi, giảm lãi suất cho vay đối với cả khách hàng doanh nghiệp và cá nhân. Động thái của các ngân hàng lần này diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng chậm lại.
Vào ngày 7/8, ngân hàng MSB đã công bố lần điều chỉnh giảm lãi suất thứ tư kể từ đầu năm 2023. Ngân hàng sẽ giảm thêm 2% lãi suất vay thế chấp dành cho khách hàng cá nhân có nhu cầu vay thế chấp mục đích mua nhà, xây sửa nhà, tiêu dùng mua sắm trang thiết bị gia đình, du học, chi trả học phí… Chương trình áp dụng đến hết 31/12/2023.
Với chính sách lãi suất này, khách hàng sẽ được vay vốn với lãi suất ưu đãi chỉ từ 8,99%/ năm, thời gian vay lên tới 35 năm và ân hạn gốc lên tới 24 tháng.
Sacombank cho biết sẽ dành 20.000 tỷ đồng cho khách hàng vay vốn mục đích phục vụ sản xuất kinh doanh ngắn hạn (bao gồm sản xuất nông nghiệp) với mức lãi suất thấp chỉ từ 7,5%/năm. Đồng thời, ngân hàng cũng đưa ra gói tín dụng 10.000 tỷ đồng cho khách hàng vay vốn mua, xây, sửa bất động sản và tiêu dùng với mức lãi suất chỉ từ 8 - 9%/năm. Thời gian vay có thể kéo dài tối đa lên đến 30 năm.
Ngân hàng Bản Việt (BVBank) cũng vừa triển khai gói vay 7.000 tỷ đồng kích cầu tiêu dùng với lãi suất chỉ từ 8,8%/năm, giảm đến 2%/năm so với lãi suất thông thường. Các khoản vay có thể ở các mục đích vay khác nhau từ ngày 4/8 - 31/12/2023.
Đồng pha với lãi suất cho vay, lãi suất huy động tại các ngân hàng cũng tiếp tục giảm mạnh. Theo khảo sát, hiện tại không còn ngân hàng nào niêm yết mức lãi suất 8%/năm trên thị trường tại kỳ hạn phổ biến 6 tháng 12 tháng.
Nhóm Big4 (Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV) không có biến động lãi suất trong thời gian gần đây, ngân hàng vẫn giữ nguyên mức cao nhất là 6,3%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng
Một sự kiện đáng chú ý khác, ngân hàng ABBank đã có quyết định cử ông Phạm Duy Hiếu làm Phó Tổng giám đốc, giao đảm nhận nhiệm vụ và quyền hạn của Tổng giám đốc kể từ ngày 10/8, thay bà Lê Thị Bích Phượng.