Tính chung nửa đầu năm nay, lợi nhuận sau thuế của Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh (mã cổ phiếu CII) đã tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ năm ngoái mặc dù doanh thu gần như đi ngang.
Lãi ròng nửa đầu năm nay tăng gấp hơn 6 lần
Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh (mã cổ phiếu CII - sàn HoSE) vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2024 với doanh thu thuần đạt 699 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nhờ giá vốn hàng bán giảm tới 55% nên lợi nhuận gộp trong kỳ tăng 104% so với quý 2/2023.
Kết quả, Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 129 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Lê Quốc Bình - Tổng Giám đốc Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh cho biết, lợi nhuận sau thuế quý 2 tăng mạnh chủ yếu là nhờ tăng lợi nhuận ròng từ hoạt động thu phí giao thông (phí BOT) tại cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận do Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận vận hành.
Hiện BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đang là công ty con do Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh nắm giữ gián tiếp 89% vốn điều lệ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.577 tỷ đồng, gần như đi ngang so với cùng kỳ năm trước. Nhưng lợi nhuận sau thuế lại tăng tới 284%, đạt hơn 452 tỷ đồng. Qua đó, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt hơn 274 tỷ đồng, tăng 535% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kết thúc nửa đầu năm nay, Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh đã hoàn thành 37,6% kế hoạch doanh thu và 63,8% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ trong cả năm nay.
Động lực tăng trưởng đến từ mảng BOT
Xét về cơ cấu, doanh thu thu phí giao thông (BOT) chiếm tới 83% tổng doanh thu 6 tháng đầu năm của Hạ tầng Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, đạt 1.309 tỷ đồng, tăng 83,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là động lực tăng trưởng doanh thu chính đối với Hạ tầng Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh trong nửa đầu năm 2024.
Hạ tầng Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh hiện đang có các dự án BOT trong giai đoạn thu phí hoàn vốn, gồm: dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1; dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội, dự án mở rộng quốc lộ 60 nối liền Bến Tre và Trà Vinh, dự án đầu tư nâng cấp mở rộng đường ĐT 741, quyền thu phí giao thông cầu Cổ Chiên…
Ban lãnh đạo Hạ tầng Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh cũng cho biết, công ty đang trong quá trình thương lượng mua lại 100% dự án BOT với tổng mức đầu tư khoảng 1.600 tỷ đồng. Dự án này có thể được thương lượng xong vào đầu tháng 7/2024.
Cũng theo ban lãnh đạo Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh cho biết, với giả định lưu lượng phương tiện tăng 3-8%/năm và giá vé thu phí tăng 9-25% trong mỗi giai đoạn 3-5 năm, doanh thu từ mảng BOT trong năm 2024 có thể đạt khoảng 2.800-2.900 tỷ đồng, tăng 60 - 70% so với năm 2023. Con số này sẽ tăng dần qua các năm và đạt khoảng 5.500 tỷ đồng vào năm 2033.
Giai đoạn 2024-2033, doanh thu mảng BOT của Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh sẽ tập trung chủ yếu ở 3 dự án gồm BOT Ninh Thuận, BOT Xa lộ Hà Nội và BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (chiếm tỷ trọng từ 80-90%).
Trong số này, dự án BOT Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ duy trì mức đóng góp khoảng 50% tổng doanh thu, ban lãnh đạo Hạ tầng Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh ước tính.
Tính đến ngày 30/6/2024, tổng tài sản của Hạ tầng Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh đạt 35.673 tỷ đồng, tăng 7,5% so với hồi đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho đạt 2.252 tỷ đồng, gấp gần 4 lần so với đầu năm.
Ở phía đối ứng, nợ phải trả của Hạ tầng Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh đạt 26.332 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm 2024, chủ yếu là vay và nợ thuê tài chính với tổng dư nợ đạt 19.599 tỷ đồng, tăng gần 4%.