Thị trường bánh Trung thu 2022: “Vàng thau lẫn lộn”

Thị trường bánh Trung thu 2022:  “Vàng thau lẫn lộn”

Thị trường bánh Trung thu năm nay khá nhộn nhịp, mẫu mã đa dạng, bắt mắt. Tuy nhiên, người tiêu dùng cần cẩn trọng khi lựa chọn các dòng bánh mới lạ, chưa rõ nguồn gốc, nhất là loại bánh siêu rẻ, tràn ngập "chợ mạng"...

banh-trung-thu.jpgChọn mua bánh Trung thu.

Sau hai mùa gần như đóng băng vì dịch bệnh, thị trường bánh Trung thu năm nay bắt đầu nhộn nhịp với nhiều hương vị, mẫu mã đa dạng, bắt mắt.

Cuộc đua sôi động,

Hiện thị trường bánh Trung thu đã khá nhộn nhịp với hàng loạt thương hiệu như Kinh Đô, Đại Phát, Bảo Minh, Hữu Nghị... được trưng bán khắp nơi.

Tại TPHCM, dạo một vòng quanh khu vực Bình Thạnh, Gò Vấp... từ hàng truyền thống cho đến các thương hiệu cao cấp dành biếu tặng cũng vô cùng sôi động. Chị Thục Anh (quận Bình Thạnh), chủ sơ sở thủ công mỹ nghệ cho biết, dù hoạt động sản xuất công ty đang khó khăn do vẫn còn ảnh hưởng dịch Covid-19, nhưng chị vẫn quyết định tặng bánh Trung thu cho cán bộ công nhân viên doanh nghiệp.

Trong khi đó, theo anh Hồng Thanh (quận Gò Vấp), năm nay nguồn cung bánh Trung thu khá đa dạng về chủng loại và mức giá nên giúp người mua có được nhiều sự lựa chọn.

Cụ thể, có dòng bánh mặn, bánh chay và bánh cho người ăn kiêng; còn mức giá cũng có nhiều phân khúc với phổ biến từ 40.000 - 150.000đ/bánh 100 - 200g, mua theo hộp thì từ 150.000 - 600.000đ/hộp tùy loại.

"Thấy bánh đa dạng và được người bán khuyên mua sớm bánh sẽ ngon hơn nên tôi đã "chốt đơn" 25 hộp bánh Trung thu Kinh Đô, Bảo Minh. Chừng đấy bánh đủ cho nhu cầu biếu tặng người thân, con cháu trong gia đình", anh Thanh khoe.

Đại diện một đơn vị sản xuất bánh Trung thu tại TPHCM cho hay, 3.000 hộp bánh Trung thu vừa ra lò nhưng đã bán được hơn 2.500 hộp, trong đó có nhiều khách hàng ở các tỉnh, thành đặt mua.

Tại Hà Nội, ghi nhận trên thị trường, từ cuối tháng 7 tại các tuyến phố lớn ở Hà Nội như Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy), Trần Đăng Ninh (quận Cầu Giấy), Văn Cao (quận Ba Đình)… nhiều gian hàng bán bánh Trung thu như Madame Hương, Kinh Đô, Hữu Nghị, Maison… đã bắt đầu mở bán.

Năm nay các doanh nghiệp kinh doanh bánh Trung thu “chào hàng” khá sớm, đa dạng sản phẩm và giá bán. Tính đến thời điểm hiện tại, sức mua vẫn chưa nhiều.

Bánh Trung thu mini siêu rẻ tràn ngập "chợ mạng"

Qua ghi nhận của phóng viên, trên các trang mạng như Facebook, Zalo, Tik Tok cũng tràn ngập loại bánh Trung thu dẻo mini có xuất xứ từ Trung Quốc với giá chỉ 2.000 - 5.000đ/cái nhưng vô cùng thu hút khách hàng nhất là giới trẻ những người ưa khám phá.

Bánh được bán với giá 99.000đ/kg (25 cái), đủ loại mẫu mã, có nhiều vị tùy khách lựa chọn. Tính lẻ khoảng 4.000đ/chiếc. Nếu lấy sỉ, bánh này có giá chỉ khoảng 50.000đ/kg, tức chỉ khoảng 2.000đ/cái. Theo giới buôn, toàn bộ các loại bánh mini dẻo nêu trên là hàng từ Trung Quốc. Thời gian bảo quản của chúng lên đến 4 tháng.

Bên cạnh đó dòng bánh "nhà làm" cũng đang “hot” dù hầu hết bánh bán ra theo kiểu "3 không": Không bao bì, nhãn mác, không dễ xác minh chất lượng.

Đã bán ra hơn 400 cái bánh Trung thu "nhà làm" với giá 20.000 - 50.000đ/cái tùy loại, bà Ngô Thị Hằng (quận Bình Thạnh), chủ cơ sở sản xuất bánh này cho biết, ngày càng nhiều người thích ăn dòng bánh này vì được làm theo yêu cầu, ít ngọt, giá rẻ. Tuy nhiên, bà Hằng thừa nhận chất lượng do cái tâm người làm nên khá “hên xui”.

Trong khi đó, dù bánh Trung thu "nhà làm" được đóng gói cẩn thận, thậm chí đã bỏ sỉ lượng lớn nhưng đại diện cơ sở sản xuất bánh Trung thu M.T. (Thủ Đức) thừa nhận: "Bánh này chủ yếu là niềm tin giữa người bán và mua, chứ buôn bán nhỏ nên không ai kiểm tra và tôi cũng không có điều kiện mang sản phẩm đi chứng nhận chất lượng".

Vậy nên người tiêu dùng cần cẩn trọng khi lựa chọn các dòng bánh mới lạ, chưa rõ nguồn gốc, thiếu kiểm soát chất lượng, chỉ nên mua bánh "nhà làm" khi thực sự biết và có cơ sở để tin tưởng người sản xuất.

Theo TS Từ Ngữ, Hội Dinh dưỡng Việt Nam, để làm bánh phải có quy trình từ bột, nhân, khuôn, nướng... Đặc biệt là vấn đề vệ sinh, nếu thực hiện đúng các quy trình thì đòi hỏi phải đầu tư lớn. Muốn giá rẻ thì quy trình phải thay đổi và nguyên liệu cũng phải rất rẻ. Quan sát những chiếc bánh Trung thu giá rẻ này thì thấy phần nhân không rõ ràng.

Không ai biết phần nhân được làm từ những nguyên liệu gì, trứng muối, dăm bông, lạp xưởng hay đậu xanh… Bởi nhân bánh đã được làm nhuyễn.

Có ý kiến cho rằng, nhiều khả năng bánh được làm từ thực phẩm "rác". Đó là thực phẩm lưu cữu lâu ngày để trong các tủ lạnh với nhiệt độ đến -20 hoặc -30 độ C, đã hết hạn sử dụng có giá thành rất rẻ. Khi đã sử dụng nguyên liệu là thực phẩm "rác" nhà sản xuất sẽ sử dụng đến phụ gia. Phụ gia làm mất đi mùi vị của thực phẩm làm bánh và họ đưa một loại hương vị gần giống với thực phẩm vào, đánh mạnh vào tâm lý người tiêu dùng, nhất là đối tượng trẻ em.

Khi sử dụng loại bánh không rõ nguồn gốc này, nếu may mắn không bị ngộ độc cấp như tiêu chảy, nôn mửa, nhưng có ảnh hưởng lâu dài hay không thì không ai biết được, đặc biệt là những phụ gia, thực phẩm "rác" tác động lên gan, thận, đường tiêu hóa gây có thể gây ra những bệnh mạn tính như xơ gan, có thể là ung thư gan. Nguy hiểm nhất là người ăn không nhận biết được ngay lập tức tác hại nhưng hậu quả lại khôn lường.

Không thể đánh đồng tất các các loại bánh Trung thu tự làm đều có chất lượng không tốt. Người tiêu dùng nên mua bánh Trung thu ở các cơ sở có tên tuổi, đã có sự giám sát, kiểm tra của cơ quan y tế và xem xét kỹ nhãn mác của bánh phải ghi đầy đủ ngày sản xuất, thời hạn sử dụng. Bánh Trung thu để lâu hoặc ở môi trường nóng, ẩm rất dễ bị mốc, hư hỏng nên cũng phải kiểm tra trước khi mua dù thời hạn sử dụng vẫn còn.

Không mua, không sử dụng bánh Trung thu không nhãn mác. Chỉ ăn bánh không bị dập nát biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ.

trung-thu.jpgKiểm tra nguồn gốc xuất xứ chất lượng bánh Trung thu.

Phân biệt bánh thật, giả và kém chất lượng

Theo cảnh báo của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), Tết Trung thu đang đến gần, nhu cầu tiêu dùng các loại bánh, kẹo, nhất là bánh Trung thu tăng cao. Bên cạnh các cơ sở sản xuất, kinh doanh có uy tín, sản phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn cũng còn một số tổ chức, cá nhân sản xuất không tuân thủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm, kinh doanh sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng.

Để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo, người tiêu dùng chỉ mua, sử dụng thực phẩm, phụ gia có nhãn mác đầy đủ, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Chú ý các thành phần của bánh không sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục, không đúng đối tượng, liều lượng theo quy định của Bộ Y tế. Đặc biệt, người tiêu dùng cần phải kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ và hạn sử dụng khi mua sản phẩm thực phẩm qua các trang mua bán online.

Bà Trịnh Thu Hương, Giám đốc sàn thương mại điện tử Choquen.vn cho biết, hiện thị trường bánh Trung thu vô cùng đa dạng, phong phú với nhiều loại ngoại nhập, nội địa, hàng chất lượng cao, hàng thủ công… nên người tiêu dùng khó tránh khỏi hoang mang. Để phân biệt được hàng thật, hàng giả, bánh kém chất lượng, người tiêu dùng cần căn cứ trên một vài tiêu chí như bao bì, nhãn mác, màu sắc, mùi vị, hạn sử dụng... Khi mua phải kiểm tra lớp vỏ giấy bóng kính có bị hỏng hay xì hơi không để tránh không khí lọt vào làm giảm chất lượng. Hình thức bánh phải nguyên vẹn, bao bì logo nhà cung cấp phải sắc nét, không được lem nhem, tẩy xóa, dán đè bên ngoài. Bánh nướng, bánh dẻo phải có mùi vị đặc trưng, cắt ra không có vị lạ, không bị ướt, phải còn trong hạn sử dụng an toàn. Tốt nhất là tìm mua bánh tại các đại lý, cửa hàng chính hãng có uy tín, đã được thẩm định an toàn thực phẩm.

Theo TS Hoàng Kim Thanh, Trung tâm Dinh dưỡng Hà Nội, về thành phần dinh dưỡng của một chiếc bánh dẻo nhân thập cẩm 170g sẽ cung cấp khoảng 566kcal, 16,3g đạm, 6,6g lipid, 110,2g glucid; một bánh dẻo một trứng đậu xanh khoảng 176g chứa 648Kcal (năng lượng gấp 2 - 2,5 lần bát phở bò). Vì vậy, người béo phì không nên ăn quá 1/4 chiếc bánh trong một ngày nếu không muốn tiếp tục gia tăng lượng mỡ thừa nhanh chóng. Người bệnh tiểu đường không nên ăn bánh Trung thu vì chất ngọt cao làm tăng lượng đường huyết, có thể dẫn tới hôn mê. Do bánh có lượng muối tương đối cao nên người bị bệnh thận ăn nhiều bánh sẽ tồn nước và natri khiến cho thận phải làm việc quá tải, gây phù nề. Trẻ nhỏ và người cao tuổi hệ tiêu hóa nhạy cảm, ăn nhiều bánh dễ có nguy cơ rối loạn tiêu hóa, ngộ độc. Ngay cả đối với người khỏe mạnh cũng không nên ăn quá 1/2 chiếc bánh Trung thu mỗi ngày. Chỉ nên ăn bánh trong khoảng thời gian 10 ngày kể từ khi sản xuất. Bánh để quả lâu không còn tươi ngon, hoặc bị biến chất nhưng mắt thường không nhìn thấy được có thể gây ngộ độc.

Hạn sử dụng của bánh Trung thu thường chỉ 1 - 2 tháng

Bánh Trung thu truyền thống với các loại nguyên liệu như dăm bông, lạp xườn, hạt sen, hạt dưa, mỡ, đường… rất khó bảo quản, dễ bị ô nhiễm và cũng là môi trường thuận lợi cho vi sinh vật sinh sôi phát triển.

Với bánh tự làm, thời gian sử dụng tốt nhất là 5 - 7 ngày (bánh nướng) và 3 - 5 ngày (bánh dẻo). Bánh do các doanh nghiệp sản xuất có hạn dùng 1 - 1,5 tháng kể từ ngày sản xuất. Nếu bảo quản không tốt và trưng ngoài nắng, hạn sử dụng còn rút ngắn hơn. Bởi với những nguyên liệu này, dù có làm đúng quy trình, tránh được vi sinh vật xâm nhập thì bánh Trung thu cũng khó có thể bảo quản đến vài tháng với những nguyên liệu đó, nếu không sử dụng chất bảo quản.

Bánh Trung thu tự làm có ưu điểm là yên tâm về nguyên liệu, nhưng trong quá trình chế biến, vi sinh vật rất dễ xâm nhập nếu không được thực hiện đúng cách. Với loại bánh trung thu để cả năm không bị mốc hỏng thì chắc chắn khả năng là nhà sản xuất đã sử dụng chất bảo quản để giữ bánh lâu thiu.