Chăm lo “tinh thần” cho học sinh miền núi

Huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang là một trong 7 huyện nghèo của tỉnh giai đoạn 2021-2025. Dù còn nhiều khó khăn, điều kiện sinh hoạt và học tập của học sinh còn hạn chế, nhưng mô hình lớp học tham vấn tâm lý học đường đã được triển khai và nhân rộng từ 6 năm nay.

1/Tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú và THCS Tà Nhìu (huyện Xín Mần), phòng tham vấn tâm lý học đường được bố trí trong một dãy nhà khang trang nhất trường. Trong căn phòng nhỏ với nhiều sách vở và các tờ giấy ghi chú, cô Đặng Thị Phận đang thu dọn tài liệu sau khi tư vấn xong cho hai em học sinh. Với cô, đây vừa là niềm vui, vừa là trọng trách khi ngày càng có nhiều học sinh tin tưởng, xem mình như người bạn thân để giãi bày. “Hai em học sinh vừa gặp tôi để hỏi về một số những thay đổi trong tuổi dậy thì. Các em lo lắng vì các vấn đề học tập, mối quan hệ giữa bạn bè trong lớp. Tôi đã trò chuyện với các em như những người bạn”, cô Phận chia sẻ.

Cô Đặng Thị Phận là giáo viên bộ môn Vật lý, xuất phát từ tình yêu trẻ, tích lũy kinh nghiệm từ việc dạy con, cô mong muốn được đồng hành cùng các em học sinh trong độ tuổi dậy thì nên đã xin tham gia vào lớp. Nhà trường tạo điều kiện cho cô dạy 17 tiết/tuần, thời gian còn lại để cô làm nhiệm vụ chăm lo đời sống tinh thần cho học sinh.

“Thời gian đầu khi vừa mở lớp, tôi khá buồn khi không có em nào đến, tôi nghĩ chắc các em vẫn chưa quen với hình thức này, phần vì tâm lý ngại do đa số những chuyện các em đang gặp phải đều nhạy cảm. Để lấy lòng tin từ các em, tôi làm một chiếc tủ kính trong suốt đặt ở trước cửa phòng. Thay vì gặp trực tiếp, các em sẽ viết thư và bỏ vào đấy. Ngày nào tôi cũng đi kiểm tra, cuối cùng thì cũng có bức thư đầu tiên. Tôi không biết diễn tả cảm xúc lúc đó như thế nào, chỉ biết là cuối cùng thì mình cũng được các em tin tưởng”, cô Phận kể lại.

Nhiều ngày sau đó, những bức thư ngày càng nhiều lên, nhiều học sinh tìm đến cô mong được giúp đỡ. Lĩnh vực cô tham gia tư vấn là các vấn đề khó khăn trong học tập, những phương pháp học tập phù hợp, tình cảm gia đình, an toàn học đường, tảo hôn, hướng nghiệp, tư vấn tâm lý giới tính.

2/6 năm làm công tác tư vấn tâm lý, lần tư vấn mà cô nhớ nhất là một em học sinh bị gia đình bắt bỏ học để đi lấy chồng. Cô Phận đã xin nhà trường cho nghỉ tiết, đến gặp bố mẹ, gia đình của em ấy để nói chuyện, phân tích và tuyên truyền về nạn tảo hôn và xin cho em được đi học lại. Em học sinh đó đã học đến hết lớp 12 và đã có công việc ổn định. Giờ gặp lại, em thấy biết ơn vì lúc đó đã có cô giúp đỡ kịp thời.

Tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú và THCS Tà Nhìu, gần 650 em học sinh xa gia đình, thầy cô vừa là cha mẹ, vừa là người bạn đồng hành cùng các em. Khoảng cách giữa học sinh và thầy cô nơi đây dần thu hẹp lại. Đây dường như là ngôi nhà thứ hai đúng nghĩa của các em. Em Thảo Vy (học sinh lớp 7) chia sẻ: “Lúc đầu em và các bạn hơi ngại khi đến hỏi cô, nhưng sau dần mọi người ai cũng đều đến để được giải đáp thắc mắc nên không còn ngại nữa, em đến gặp cô thì sẽ nói chuyện, còn không thì sẽ đọc thêm sách về giáo dục giới tính”.

Cô Đặng Thị Liên, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Ban tham vấn tâm lý của nhà trường có một cô giáo phụ trách trực tiếp, các thầy cô cùng tham gia tư vấn nếu có học sinh cần giúp đỡ. Nhà trường cũng đầu tư nhiều về cơ sở vật chất, xây dựng thời gian biểu hợp lý giúp các em có thể tìm gặp thầy cô để chia sẻ”. Trên địa bàn huyện Xín Mần, có nhiều lớp học tham vấn tâm lý được tổ chức, trở thành mô hình chuẩn, nhân rộng ra nhiều xã, nhiều huyện. Việc tạo ra môi trường an toàn, thân thiện, đã góp phần quan trọng vào công tác giáo dục kiến thức và lối sống cho các em học sinh nơi vùng cao biên giới.

Mỗi tuần, cô Đặng Thị Phận được tổ chức Plan International tập huấn để có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc hiểu và nhận biết tâm lý các em học sinh. Ngoài tình yêu thương các em, cô vẫn luôn trau dồi kiến thức, kỹ năng để nâng cao hiệu quả trong công việc. Cô Phận chia sẻ: “Tôi sẽ đăng ký đi học thêm các lớp chuyên sâu về tâm lý, ước mơ của tôi sau này vẫn sẽ gắn với công việc tư vấn tâm lý học đường này”.