Miền Tây không thiếu nước

Trong mùa khô, lượng nước đổ về Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 60 – 70 tỷ m3, trong khi nhu cầu sử dụng chỉ khoảng 15 tỷ m3.

Khô hạn, xâm nhập mặn xảy ra hàng năm tại Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, Trường Đại học Cần Thơ, khoảng 20 năm trở lại đây, hiện tượng hạn mặn có xu hướng gia tăng, không hiếm năm trở nên cực đoan, gây ra tác động hết sức tiêu cực cho sản xuất, sinh kế của người dân cũng như hệ sinh thái của vùng.

Hạn mặn gay gắt gây ra sụt lún, sạt lở đất, cháy rừng diễn ra liên tiếp. Đáng chú ý, không chỉ mùa khô mà đến cả mùa mưa, nước sạch cũng “cung không đủ cầu”, khiến một bộ phận nông dân phải bỏ hoang diện tích đất canh tác, vừa lãng phí nguồn lực, vừa khiến đời sống bà con thêm phần bấp bênh.

Tuy nhiên, theo PGS.TS. Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học và thủy lợi miền Nam, trên thực tế, nếu xét về con số tuyệt đối, miền Tây không thiếu nước ngọt. Cụ thể, ngay cả trong mùa khô, lượng nước về Đồng bằng sông Cửu Long rơi vào khoảng 60 - 70 tỷ m3, gấp bốn đến năm lần nhu cầu sử dụng nước ngọt để tưới tiêu, sinh hoạt.

Như vậy, theo ông Hoằng, giải pháp cho hạn mặn miền Tây đến từ câu chuyện làm sao để trữ nước ngọt phục vụ sản xuất và đời sống. Cụ thể, cần trữ nước trong hệ thống kênh, rạch, trong mương, ao, bể nước phân tán quy mô hộ gia đình, trữ nước trên đồng ruộng, hình thành các ô thủy lợi có thể chủ động cấp thoát nước và trữ nước.

Bên cạnh đó, xây dựng các công trình kiểm soát xâm nhập mặn, đặc biệt tập trung vào những công trình lớn có tác dụng điều tiết mặn ngọt và cải thiện môi trường.

Tuy nhiên, về câu chuyện xây dựng công trình kiểm soát mặn, ông Tuấn lưu ý, cần phải tính toán thật chặt chẽ. Bởi lẽ, một số công trình cống ngăn mặn, đê bao canh tác ở nhiều địa phương vô tình gây ra những hệ lụy như nước tù khiến hạn mặn vào sâu hơn và ô nhiễm nước.

Bàn về giải pháp, tại hội thảo Giải pháp cấp thiết bảo vệ vùng Đồng bằng sông Cửu Long, theo chuyên gia đến từ Trường Đại học Cần Thơ, bà con nông dân cần đẩy mạnh các mô hình thuận thiên, canh tác thông minh dựa trên chế độ nước như luân canh lúa – tôm.

Cụ thể, vào mùa mưa, có nước ngọt thì trồng lúa, đến mùa khô, tận dụng nước mặn nuôi tôm. Chất thải của tôm trở thành dinh dưỡng cho cây lúa và rơm rạ từ lúa phân hủy sẽ là thức ăn sạch cho tôm.

Ngoài ra, các mô hình canh tác xen canh khác cũng cần được đẩy mạnh dựa trên lợi thế của từng địa phương. Các mô hình thực tế đã chỉ ra, xen canh lúa với nuôi trồng có thể giúp tăng năng suất, tăng thu nhập, giảm thiểu một phần đáng kể phát thải ra môi trường.

Về mặt chiến lược, ông Tuấn nhấn mạnh quan điểm của quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021 – 2030 là giảm dần diện tích lúa, chuyển sang tăng cơ cấu thủy sản, rau màu và cây ăn trái. Bên cạnh đó, áp dụng các biện pháp tuần hoàn nước, phục hồi khả năng lưu trữ nước, xây dựng nhà máy sử lý nước mặn thành nước ngọt.

Đồng tình với quan điểm của ông Tuấn, PGS.TS Phan Thanh Bình, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM đánh giá, các tác động của con người là nguyên nhân gây ra những hiểm họa của miền Tây bao gồm xâm nhập mặn và lún sụt, sạt lở đất.

Ông Bình cho biết, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đồng bằng trẻ, nền đất yếu nên rất dễ bị tổn thương, đòi hỏi các giải pháp mang tính căn cơ, khoa học và thể hiện tầm nhìn lâu dài.

Giải pháp từ phía chính sách đã có rất nhiều, thể hiện qua quy hoạch vùng hay trước đó là Nghị quyết 120 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, ông Bình nhận định, giải pháp cần đi vào đời sống, thay đổi cách sản xuất, canh tác, phương thức sinh kế của mỗi bộ phận nông dân.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (ICED), Đại học Quốc gia TP.HCM, một giải pháp hết sức có tiềm năng ở Đồng bằng sông Cửu Long là kinh tế tuần hoàn.

Ông Quân nhìn nhận, kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, tạo ra nhiều cơ hội kinh tế mới từ chế biến phụ phẩm, truy suất nguồn gốc, bảo tồn đa dạng sinh học, trao đổi tín chỉ carbon. Do đó, cần lồng ghép kinh tế tuần hoàn mang tính liên vùng, liên ngành vào quy hoạch vùng và địa phương thuộc Đồng bằng sông Cửu Long.