Tìm chỗ cho... công nghiệp biểu diễn

Với dàn nghệ sĩ đang được giới trẻ yêu thích cùng hàng loạt hoạt động bên lề sôi động, siêu nhạc hội Viettel Y-Fest 2024 diễn ra vào tối chủ nhật (24/11) tại Quảng trường Cách mạng Tháng Tám, trước cửa Nhà hát Lớn (Hà Nội), đã thật sự “bùng nổ”, theo nhiều nghĩa.

Bùng nổ về số lượng người tham gia. Theo đó, hơn 10 nghìn vé tham dự siêu nhạc hội đã được phát hết trước khi sự kiện diễn ra nhiều giờ, cho thấy sức hút mạnh mẽ của những cái tên được giới trẻ, đặc biệt là gen Z, yêu thích, thần tượng. Bùng nổ về âm thanh, ánh sáng. Nếu có mặt ở sự kiện, ai cũng sẽ thấy hệ thống âm thanh, ánh sáng thật hoành tráng. Thậm chí, với những người lớn tuổi, âm thanh, ánh sáng ấy có thể ảnh hưởng tới sức khỏe.

Lâu nay, chúng ta hay nhắc đến việc phát triển công nghiệp văn hóa. Trong công nghiệp văn hóa có công nghiệp biểu diễn. Các chương trình âm nhạc lớn, các liveshow của những ban nhạc, nhóm nhạc, ca sĩ nổi tiếng sẽ cho thấy sức mạnh của công nghiệp biểu diễn. Công nghiệp biểu diễn sẽ thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển.

Phát triển công nghiệp biểu diễn ở tại các đô thị lớn, trong đó có Hà Nội, là hết sức cần thiết và quan trọng. Những show diễn âm nhạc quanh hồ Hoàn Kiếm vào dịp cuối tuần, hay trước cửa Nhà hát Lớn, là nỗ lực để “chinh phục” công chúng, quảng bá thương hiệu. Nhưng cũng cần hết sức lưu ý, vì khoảng không gian của Quảng trường Cách mạng Tháng Tám, hay Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục có sức chứa khá hạn chế. Do đó, việc làm những buổi biểu diễn có phần hoành tráng, âm thanh quá lớn là không phù hợp và ảnh hưởng tới người dân sinh sống quanh khu vực và một số đối tượng cùng hiện hữu tại khu vực phố đi bộ. Đồng thời ảnh hưởng giao thông vì việc lắp ráp sân khấu, hệ thống thiết bị phải thực hiện từ nhiều ngày trước đó.

Thực tế đang cho thấy, Hà Nội nói riêng và nhiều đô thị lớn trong cả nước đang thiếu những không gian để tổ chức các sự kiện âm nhạc có quy mô từ 5.000 người trở lên. Tại Hà Nội, một số show diễn lớn phải tìm tới sân vận động Mỹ Đình để thực hiện. Điều này cho thấy sự bất cập của việc phát triển công nghiệp biểu diễn khi thiếu cơ sở hạ tầng. Bởi sân vận động là nơi để những trận đá bóng diễn ra. Việc sử dụng sân bóng để dựng rạp biểu diễn, với hàng trăm tấn thiết bị và hàng vạn khán giả, sẽ ảnh hưởng tới lịch tập luyện, thi đấu của cầu thủ. Ngoài ra, còn ảnh hưởng đến mặt sân cỏ. Trong khi thời tiết hanh khô, mặt sân cỏ sẽ cần thời gian mới có thể phục hồi…

Từ những câu chuyện này, cho thấy muốn phát triển công nghiệp biểu diễn nói riêng, công nghiệp văn hóa nói chung, cần có sự chuẩn bị và đầu tư cơ sở hạ tầng. Nếu nóng vội để làm lấy được, làm bằng được thì đó chỉ là cách làm trong ngắn hạn, thiếu tầm nhìn, thiếu chiến lược. Như vậy, e khó đi được đường xa…

Tin liên quan