Tiêu thụ kim chi toàn cầu tăng mạnh nhờ sự 'đổ bộ' của làn sóng văn hoá Hàn Quốc

Xuất khẩu kim chi của Hàn Quốc ngày càng ghi nhận được những thành công mới, phần lớn được thúc đẩy bởi các nghiên cứu có lợi cho sức khoẻ và sự phổ biến của văn hoá, ẩm thực Hàn Quốc…

Trong bối cảnh văn hóa Hàn Quốc ngày càng phổ biến trên toàn cầu, xuất khẩu kim chi của Hàn Quốc đã đạt mức cao kỷ lục, tăng 7,1% từ 42.544 tấn vào năm 2021 lên 44.041 tấn vào năm 2023.

Theo tạp chí BusinessKorea, kim chi - món ăn truyền thống của Hàn Quốc được làm bằng cách lên men bắp cải hoặc các loại rau khác - đã được xuất khẩu sang 92 quốc gia nước ngoài vào năm ngoái, trong đó Mỹ và Nhật Bản là những khách hàng hàng đầu.

Cụ thể, Mỹ đã nhập khẩu hơn 10.000 tấn kim chi vào năm 2023 và Nhật Bản nhập khẩu hơn 20.000 tấn. Theo The Korea Daily, xuất khẩu kim chi sang Mỹ đã tăng trưởng đáng kể trong vài năm qua, từ giá trị 14,8 triệu USD năm 2019 lên 29 triệu USD vào năm 2022.

Một số chuyên gia nhận thấy mối liên hệ giữa đà gia tăng xuất khẩu này và sự phổ biến ngày càng tăng của nội dung giải trí Hàn Quốc, chẳng hạn như K-pop và K-drama. Theo Forbes, lượng người xem phim truyền hình Hàn Quốc tại Mỹ đã tăng 200% từ năm 2019 đến năm 2021, với các chương trình truyền hình như "Squid Game" đứng đầu bảng xếp hạng về lượng người xem Netflix tại nước này.

Những ý kiến khác lại cho rằng sự phổ biến của kim chi ở nước ngoài là do lợi ích sức khỏe của nó, vì thực phẩm lên men làm tăng tính đa dạng của vi khuẩn đường tiêu hóa.

Patrice Cunningham, người sáng lập và Giám đốc điều hành của công ty Tae-Gu Kimchi có trụ sở ở Washington, đã có những chia sẻ về xu hướng tiêu thụ kim chi ở thị trường Mỹ: “Kim chi là một phần quan trọng trong chế độ ăn uống của người Hàn Quốc. Người Hàn Quốc ăn nó như một món ăn phụ trong hầu hết mọi bữa ăn. Tại Mỹ, ngày nay cũng có nhiều gia đình đang thực hiện phong cách ăn uống tương tự với người khi họ hiểu thêm về các lợi ích sức khoẻ đường ruột mà kim chi mang lại”.

Ông Sak Pollert, đối tác tại nhà phân phối kim chi Rice Market cho biết: “Trước đây, nhiều người dù biết đến kim chi nhưng vẫn còn định kiến về mùi vị của nó. Tuy nhiên, khi họ dần làm quen và thấy được rằng thực phẩm chứa probiotic có hương vị thơm ngon khi chế biến, ăn kèm với những món ăn khác”.

Ông Pollert cũng tin rằng các nội dung K-content đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phổ biến toàn cầu của kim chi. Phim truyền hình Hàn Quốc đạt được những thành quả phi thường khi quảng bá kim chi cũng như đồ ăn và đồ uống Hàn Quốc, đặc biệt là rượu soju tới khắp mọi nơi trên thế giới.

Và tất nhiên, độ phổ biến của kim chi, dù được thúc đẩy bởi bất kỳ yếu tố nào, vẫn chỉ là một phần trong kế hoạch rộng lớn hơn nữa của chính phủ Hàn Quốc nhằm thúc đẩy nền văn hoá ẩm thực Hàn Quốc ra toàn cầu.

“Chính phủ và các tập đoàn Hàn Quốc đã và đang tiếp tục tìm cách quảng bá thực phẩm Hàn Quốc và mang về lợi nhuận khổng lồ từ đó”, ông Anthony Kuhn của National Public Radio Hàn Quốc cho biết trong một cuộc phỏng vấn với ông Yang Joo-Pil, quan chức trực thuộc Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc.

Về phía mình, ông Yang Joo-Pil cũng tiết lộ thêm rằng có khoảng 10 mặt hàng thực phẩm thường được chọn để giới thiệu trong các bộ phim truyền hình nổi tiếng và thực phẩm Hàn Quốc cũng được bán tại các buổi hòa nhạc K-pop.

Tại Washington, nỗ lực quảng bá ẩm thực Hàn Quốc và truyền bá văn hóa Hàn Quốc được thể hiện rõ trong mục tiêu và tầm nhìn của Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc.

Tháng 11 năm ngoái, trung tâm đã hợp tác với công ty Tae-Gu Kim chi để tổ chức sự kiện "Kimjang đầu tiên của DC: Làm và chia sẻ Kim chi". Kimjang ở Hàn Quốc vốn là một sự kiện diễn ra một hoặc hai lần một năm, như một cách để cộng đồng cùng nhau dự trữ và chia sẻ những thực phẩm thiết yếu. Do đó, tại sự kiện kimjang ở Washington, người tham dự đã có thể cùng nhau làm kim chi tại các workshop thực hành cũng như thử các món ăn làm từ kim chi theo đúng phong cách Hàn Quốc truyền thống.

Tin liên quan