Đầu tư vào phát triển bền vững có thể đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp và nhà đầu tư nếu biết tận dụng lợi thế của doanh nghiệp và tổ chức.
Gần 38% là tỷ suất lợi nhuận của quỹ PRUlink tương lai xanh, quỹ liên kết đơn vị hướng đến phát triển bền vững của Prudential, do Eastspring Việt Nam, có được sau 12 tháng vận hành thử nghiệm. Con số này cao hơn nhiều so với tỷ suất lợi nhuận của VNIndex cùng thời là khoảng hơn 22%.
Đưa ra con số tỷ suất lợi nhuận của PRUlink tương lai xanh, ông Ngô Thế Triệu, Tổng giám đốc Eastspring Việt Nam, xem đây là minh chứng cho thấy đầu tư vào phát triển bền vững có thể đem lại lợi nhuận tốt trong dài hạn chứ không phải hy sinh lợi nhuận như quan niệm của một số tổ chức, doanh nghiệp.
Lý giải kỹ hơn, ông Triệu cho biết, mô hình kinh doanh bền vững là mô hình có được sự hài hòa với giá trị và cuộc sống của những chủ thể xung quanh, từ đó sản phẩm của doanh nghiệp nhận được sự chấp thuận từ phía thị trường.
Chiếm được vị thế trong tâm trí người tiêu dùng giúp doanh nghiệp dễ dàng tạo lập khách hàng thân thiết. Đó chính là nguồn lợi nhuận đáng kể cho doanh nghiệp và giá trị cho nhà đầu tư về dài hạn.
Các số liệu thống kê cũng khẳng định điều này. Theo nghiên cứu của PwC, 85% người tiêu dùng thể hệ trẻ đang quan tâm tới khía cạnh môi trường và xã hội của mỗi sản phẩm, dịch vụ. Điều này cho thấy xu thế tiêu dùng bền vững chắc chắn sẽ trở thành chủ đạo trong tương lai không xa.
Ở góc độ quốc gia, Việt Nam đã nhận được cam kết đầu tư trị giá 15,5 tỷ USD từ các đối tác phát triển thông qua Cơ chế đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP). Đây là kết quả “tiền tươi thóc thật” khẳng định giá trị đem lại từ việc theo đuổi phát triển bền vững một cách bài bản.
Đồng quan điểm với ông Việt, TS. Vũ Đình Ánh, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường – giá cả, Bộ Tài chính, khẳng định, đầu tư xanh sẽ là xu thế chung của thời đại, không chỉ vì những vấn đề cấp thiết về môi trường, xã hội mà còn nằm ở lợi nhuận.
“Doanh nghiệp có sản phẩm xanh thì có cơ hội mở rộng doanh thu, kiếm lợi nhuận bền vững hơn”, ông Ánh lấy ví dụ.
Thực tế, quan niệm cho rằng đầu tư vào phát triển bền vững phải đánh đổi lợi nhuận xuất phát từ những e ngại về việc phải áp dụng những thay đổi về công nghệ, dây chuyền, quy trình quản trị, thường tiêu tốn một khoản chi phí đáng kể và có thể ảnh hưởng đến cả giá bán.
Tuy nhiên, những chi phí đầu tư cho sự thay đổi hoàn toàn có thể được giảm thiểu thông qua sự thấu hiểu về quản trị và chuỗi cung ứng của mỗi doanh nghiệp. Bởi lẽ, phát triển bền vững về cơ bản xuất phát từ việc tuân thủ pháp luật và tối ưu hóa nguồn lực để nâng cao hiệu quả.
Lấy ví dụ như một trường hợp doanh nghiệp sản xuất gốm sứ được VinaCapital tư vấn áp dụng tiêu chuẩn ESG. Thông qua tìm hiểu kỹ lưỡng hoạt động, VinaCapital đưa ra những giải pháp ban đầu hết sức đơn giản và đem lại hiệu quả cao cho doanh nghiệp này như phơi khô đồ gốm, phơi khô củi đốt trước khi nung gốm. Như vậy, vừa cắt giảm được khí thải, vừa giảm nhiên liệu đốt.
Hay như yếu tố quản trị trong ESG vốn xuất phát từ việc tăng cường hiệu lực hoạt động của đội ngũ nhân sự. Áp dụng quy trình quản trị hiệu quả là doanh nghiệp đang nâng cao năng suất cũng như độ trung thành của bộ máy nhân sự. Đây là yếu tố quan trọng để doanh nghiệp phát triển trong dài hạn.
Phạm Sơn