Việt Nam cần kế hoạch hành động riêng và đặc thù cho các đối tượng nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, phù hợp với từng thế mạnh.
Ông Phùng Việt Thắng, Giám đốc Intel tại Việt Nam, cho biết, các quốc gia đã phát triển công nghiệp bán dẫn, nhất là các công ty toàn cầu như Intel, đang có những nhu cầu mới cần thay đổi và việc vẽ lại vị trí trên bản đồ thế giới về bán dẫn là cơ hội đặc biệt.
Để nắm được cơ hội này, Việt Nam cần những chiến lược rất bài bản, sâu sát nhưng đồng thời, cũng không có nhiều thời gian.
Vì vậy, phải có những kế hoạch rất nhanh, cụ thể và chiến lược cần liên quan đến rất nhiều góc độ từ đầu tư, nguồn lực cho đến con người, hạ tầng công nghệ.
Phân tích này được ông Thắng đưa ra tại Hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn mới đây do Thủ tướng chủ trì.
Ông cho biết thêm, công nghiệp bán dẫn có nhiều công đoạn khác nhau và mỗi công đoạn yêu cầu nguồn nhân lực khác nhau. Chính vì thế, Việt Nam cần kế hoạch hành động riêng và đặc thù cho mỗi đối tượng nhân lực, phù hợp với thế mạnh của Việt Nam.
Đơn cử, số lượng thiết kế bán dẫn sẽ đông trong khi nguồn lực làm việc trong những nhà máy sản xuất bán dẫn lại có tính đặc thù hơn. Số lượng khác nhau và chất lượng yêu cầu cũng khác nhau, cho nên kế hoạch thực hiện cũng phải khác nhau.
Về nguồn nhân lực nói chung, ông đánh giá Việt Nam có tính sẵn sàng rất cao, từ những ngành đào tạo gián tiếp, đào tạo cơ bản hay đào tạo trực tiếp.
Tuy vậy, đại diện của Intel tại Việt Nam cũng lưu ý rằng, có khoảng cách không nhỏ giữa tính sẵn sàng cao với khả năng làm việc độc lập.
Do đó, những chính sách bàn bạc hiện nay nếu xây được những cầu nối giữa sự sẵn sàng đó với sự chấp nhận của ngành công nghiệp bán dẫn thì chắc chắn chiến lược của Việt Nam sẽ thành công, ông Thắng nhấn mạnh.
Những cầu nối này có thể là cơ sở đào tạo, kết hợp trường đại học với các trung tâm nghiên cứu của doanh nghiệp, phòng thí nghiệm, hợp tác công – tư.
Ngoài ra, một góc độ quan trọng khác là sự hợp tác giữa các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp toàn cầu nước ngoài. Điều này sẽ không chỉ tạo ra các cơ chế thương mại mà còn thúc đẩy chuyển giao công nghệ, từ đó hình thành nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu.
Không chỉ vậy, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI) là hai lĩnh vực không tách rời nhau. Do đó, Việt Nam cũng cần cần có chính sách cụ thể để phát triển AI, ông Thắng đề xuất.
Đồng quan điểm, Giám đốc điều hành Google tại Việt Nam Marc Woo, nhận định, các nền kinh tế được hỗ trợ bởi AI yêu cầu có lực lượng lao động thông thạo.
Cùng với đó, đầu tư vào cơ sở hạ tầng rất quan trọng. Theo ông, những thị trường mới nổi rất cần cơ sở hạ tầng phù hợp để phát triển tài năng AI như tiếp cận với điện toán đám mây. Việc thúc đẩy các luồng dữ liệu xuyên biên giới đáng tin cậy sẽ bảo đảm cho việc chia sẻ các bộ dữ liệu, thông tin và chuyên môn cần thiết để nuôi dưỡng tài năng.
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2024 tháng trước, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đề xuất hợp tác chuyên ngành trong thời đại kỹ thuật số để thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn.
EuroCham lý giải, sự phát triển trong lĩnh vực bán dẫn của Việt Nam đánh dấu sự chuyển đổi từ sự phụ thuộc vào lao động giá rẻ sang các ngành công nghệ có giá trị cao.
Do đó, tổ chức này khuyến khích việc hợp tác chặt chẽ giữa các công ty công nghệ châu Âu và các nhà sản xuất Việt Nam để nâng cao các tiêu chuẩn ngành công nghiệp địa phương, với mục tiêu biến Việt Nam thành một cường quốc công nghệ trong khu vực.
Việt Nam trong dòng chảy FDI mới
Phương Anh