Dự án đầu tư đường Vành đai 1 hiện nay tiến độ chưa đáp ứng được yêu cầu...
Tại phiên chất vấn Kỳ họp 20 Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội sáng 11/12, đại biểu Nguyễn Quang Thắng (đại biểu tổ Long Biên) đã đề nghị Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Dân dụng Hà Nội làm rõ tiến độ tuyến đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục đi qua 2 quận Ba Đình và Đống Đa.
Trả lời vấn đề này, ông Đồng Phúc An, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Dân dụng thành phố Hà Nội cho biết, dự án đầu tư đường Vành đai 1 hiện nay tiến độ chưa đáp ứng được yêu cầu, dự kiến sẽ hoàn thành năm 2024. Tuy nhiên qua quá trình triển khai công tác giải phóng mặt bằng của dự án còn nhiều khó khăn vướng mắc.
Cụ thể, các hộ dân không phối hợp công tác đo đạc, xác nhận nguồn gốc đất, kiến nghị về giá đất, chính sách đền bù hỗ trợ, kiến nghị về điều chỉnh chỉ giới, hộ dân nhận đền bù nhưng chưa bàn giao mặt bằng… dẫn đến dự án chậm tiến độ.
Thời gian qua, Ban Quản lý dự án phối hợp với quận, phường liên quan triển khai rất nhiều công việc. Đến nay việc thẩm định phê duyệt các phương án đền bù hỗ trợ tái định cư đã có nhiều tiến triển.
Theo kế hoạch giải phóng mặt bằng cập nhật trong tháng 11, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục đến quý 1/2025 phấn đấu giải phóng mặt bằng xong tại quận Ba Đình, quận Đống Đa phấn đấu trong quý 2/2025", ông ông Đồng Phúc An nêu.
Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Dân dụng thành phố Hà Nội cho biết thêm, với tiến độ giải phóng mặt bằng như vậy, có mặt bằng đến đâu nhà thầu sẽ tiến hành triển khai xây dựng ngay, nỗ lực tiến hành trong năm 2025, đặc biệt là tại các nút giao Láng Hạ, Nguyễn Chí Thanh cố gắng giải phóng mặt bằng trong quý 1/2025 .
Về các thủ tục liên quan đến dự án hiện nay đã không còn khó khăn, vướng mắc. Khó khăn lớn nhất là hiện nay có 409 hộ có đơn thư khiếu nại, các quận cần thời gian tiến hành đối thoại, giải đáp.
Cập nhật tiến độ trên địa bàn quận Ba Đình, ông Tạ Nam Chiến Chủ tịch UBND quận Ba Đình cho biết trên địa bàn có 1.334 trường hợp phức tạp liên quan đến đền bù giải phóng mặt bằng, số lượng đơn thư khiếu nại cũng tương đối lớn. Vướng mắc hiện nay là cơ chế chính sách theo Luật Đất đai năm 2024 quận đã báo cáo UBND thành phố.
"Dù vậy, đến nay quận đã chi trả 667/1334 phương án, cơ bản các phương án cuối cùng đã được niêm yết công khai, quyết tâm đến quý 1/2025 sẽ tiến hành công tác di dời bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thi công", ông Tạ Nam Chiến khẳng định.
Còn ông Lê Tuấn Định, Chủ tịch UBND quận Đống Đa cho biết, dự án Vành đai 1 đoạn Voi Phục – Hoàng Cầu là dự án khó nhất của thành phố Hà Nội, cũng như cả nước về cơ chế chính sách. Thành phố đã có nhiều nỗ lực tháo gỡ, giống như Ba Đình, quận Đống Đa đã được tháo gỡ 8 chính sách đặc thù.
Tuyến đường Vành đai 1 qua quận Đống Đa có 650m chiều dài với 48.000m2 đất, trong đó có 643 phương án. Quận đã phê duyệt cả 643 phương án, hơn 100 phương án đã chi trả tiền bàn giao mặt bằng, cam kết quý 1, quý 2 năm 2025 sẽ xong giải phóng mặt bằng trên địa bàn quận Đống Đa.