Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Giới trẻ Trung Quốc hiện đang tận dụng phong trào leo núi để kiếm thêm thu nhập bằng cách trở thành những người bạn đồng hành vừa có kinh nghiệm và ngoại hình. Tuy nhiên, dù mang lại lợi ích tài chính như công việc độc lạ này còn gây ra nhiều tranh cãi về tính an toàn và độ tin cậy…

Vào mùa hè vừa qua, Wendy Chen quyết định tự đặt cho bản thân một thử thách mới, đó là chinh phục núi Thái Sơn - ngọn núi cao 1.533 mét nổi tiếng ở miền đông Trung Quốc. Tuy nhiên, có một trở ngại duy nhất là cô không thể tìm được người bạn nào cùng tham gia chuyến leo núi kéo dài năm tiếng.

Thay vì huỷ bỏ kế hoạch, cô gái 25 tuổi ngay lập tức chi tiền thuê người đồng hành leo núi - một chàng trai trẻ có kinh nghiệm dày dặn trong các hoạt động ngoài trời - để cùng mình vượt qua thử thách.

Dịch vụ bạn đồng hành leo núi, hay còn được gọi là “pei pa”, đang ngày càng phổ biến tại Trung Quốc trong năm nay, với các hashtag liên quan đến “pei pa” thu hút hơn 100 triệu lượt xem trên mạng xã hội.

Những người cung cấp dịch vụ này thường là các thanh niên trẻ, năng động, phần lớn là sinh viên đại học hoặc cựu quân nhân. Họ quảng bá dịch vụ trên các nền tảng như Xiaohongshu và Douyin. Trong hồ sơ, họ nêu rõ chi tiết chiều cao, thể lực và kinh nghiệm leo núi. Giá dịch vụ dao động từ 200 đến 600 nhân dân tệ (30 đến 85 USD) cho mỗi chuyến đi.

Trong suốt hành trình, những người bạn đồng hành này sẽ hỗ trợ hết mình để giúp khách hàng giảm bớt mệt mỏi và tiếp tục tiến lên. Họ có thể hát, kể chuyện cười, chơi nhạc, động viên tinh thần, thậm chí còn mang hộ hành lý, nắm tay và kéo khách hàng đi khi cần.

screen-shot-2024-12-04-at-8-15-18-am.jpg
Wendy Chen và chuyến leo núi Thái Sơn cùng bạn đồng hành

Như Wendy Chen, cuộc phiêu lưu của cô và người bạn đồng hành bắt đầu vào khoảng 8 giờ tối để cô có thể lên kịp đỉnh núi để ngắm bình minh. Sau khi đánh giá thể lực của Chen, người bạn đồng hành lên kế hoạch cho một lộ trình vừa sức và giúp cô có thể tự mang ba lô suốt hành trình. Khi lên đến đỉnh núi, người bạn này đã thuê cho Chen một chiếc áo khoác dày và dẫn cô đến nơi nghỉ chân có tường bao quanh để tránh rét. Vào khoảnh khắc mặt trời mọc, anh bạn chuẩn bị sẵn một lá cờ và các đạo cụ khác để Chen chụp những bức ảnh kỷ niệm.

Mặc dù cảm thấy kỹ năng chụp ảnh của anh bạn vẫn cần cải thiện, Wendy Chen vẫn đánh giá dịch vụ là đạt yêu cầu. Chen đã trả 350 nhân dân tệ (49 USD) cho trải nghiệm này. Số tiền mà Wendy trả nằm trong khoảng giá trung bình và cô cho biết những người bạn đồng hành có ngoại hình ưa nhìn sẽ thường có mức phí cao hơn.

Chris Zhang, một sinh viên đại học 20 tuổi, đã tận dụng cơ hội này vào mùa hè vừa qua để kiếm thêm thu nhập. Trong khi một số bạn bè chọn các công việc làm thêm quen thuộc, thì Zhang lại quyết định làm bạn đồng hành leo núi. Chỉ cần chăm chỉ vào dịp nghỉ lễ, Zhang có thể kiếm được hơn 20.000 nhân dân tệ (2.800 USD) trong vòng 3 tháng. Trong cùng khoảng thời gian này, một số người bạn của Zhang chỉ nhận được mức lương 2.000 nhân dân tệ (280 USD) mỗi tháng khi thực tập trong lĩnh vực chăm sóc khách hàng.

“Dịch vụ này không chỉ giúp tôi có thu nhập cao hơn mà còn mang lại sự tự do bên ngoài thay vì phải ngồi trước màn hình máy tính hay ru rú trong văn phòng cả ngày”, Chris Zhang thẳng thắn chia sẻ.

Đối với một số người khác, “pei pa” được xem như công việc "kiếm cơm" chính của họ. Sau khi từ bỏ vị trí bán hàng đầy mệt mỏi vào tháng 4/2024, Chen Wudi, 27 tuổi, đã theo đuổi đam mê leo núi và trở thành một người bạn đồng hành toàn thời gian. Hiện tại, Chen nhận khoảng 40 đơn đặt dịch vụ mỗi tháng và kiếm được khoảng 20.000 nhân dân tệ (2.800 USD), gấp đôi mức lương trung bình hàng tháng tại Trung Quốc. Thu nhập tốt đến mức anh đã chuyển hẳn đến sinh sống tại thành phố Thái An, ngay dưới chân núi Thái Sơn.

Tuy nhiên, dù mức thu nhập thật sự hấp dẫn, nhưng Chen cũng thừa nhận rằng công việc này khó có thể bền lâu vì rất mệt mỏi về thể chất. “Hầu như ngày nào tôi cũng leo núi, đôi khi hai đến ba lần một ngày. Đầu gối của tôi đã bắt đầu đau nhức nên có lẽ tôi sẽ chỉ làm việc này thêm vài tháng hoặc nửa năm nữa”, Chen cho biết.

Sự phổ biến ngày càng rộng của dịch vụ “pei pa” cũng kéo theo nhiều tranh cãi. Bởi lẽ, đây là một ngành nghề mới chưa được quản lý và còn nhiều rủi ro tiềm tàng. Một số ý kiến lo ngại rằng các hướng dẫn viên nghiệp dư có thể đưa người leo núi vào những tình huống nguy hiểm, hoặc mở ra một phương tiện mới cho những kẻ lừa đảo.

Nhưng nếu nhìn về khía cạnh tích cực, đặc biệt khi mà tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc còn cao và nhiều người trẻ gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm ổn định sau tốt nghiệp, “pei pa” mang lại cho họ cơ hội kiếm tiền nhanh chóng trong lúc cân nhắc về các hướng đi lâu dài hơn.

Tin liên quan