Cận Tết Nguyên đán, vỉa hè Hà Nội lại rơi vào tình trạng bị lấn chiếm bởi các hoạt động kinh doanh, đặc biệt là trên những tuyến phố như Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Trãi, hay Kim Mã…
Các chậu hoa, cây cảnh và phụ kiện trồng cây được bày bán tràn lan từ vỉa hè ra sát lòng đường, khiến giao thông bị cản trở, người đi bộ không còn lối di chuyển, buộc phải xuống lòng đường, đối mặt nguy cơ tai nạn.
Chính quyền đã triển khai nhiều đợt ra quân lập lại trật tự vỉa hè, hiệu quả đạt được vẫn rất hạn chế. Sau mỗi chiến dịch, tình trạng lấn chiếm lại tái diễn, khiến người dân không khỏi bức xúc. Việc xử lý vi phạm không đồng bộ giữa các quận, phường càng làm vấn đề thêm phức tạp. Các đối tượng kinh doanh chỉ cần di chuyển qua địa bàn giáp ranh là có thể tiếp tục hoạt động trái phép.
Bên cạnh các loại cây cảnh và hoa tươi phục vụ Tết, vỉa hè còn trở thành nơi bày bán tràn lan các loại thực phẩm. Từ bánh mứt kẹo, các loại sữa, đến thực phẩm chế biến sẵn đều xuất hiện trên các tuyến phố mà không được kiểm soát chất lượng. Nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có nhãn mác, hoặc sắp hết hạn sử dụng, tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Người tiêu dùng khi mua phải các sản phẩm này không chỉ đối mặt với rủi ro sức khỏe mà còn vô tình ủng hộ các hoạt động kinh doanh không lành mạnh.
Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị mà còn gây ra nhiều hệ lụy xã hội. Việc vỉa hè bị chiếm dụng không chỉ làm mất đi không gian công cộng mà còn gây ùn tắc giao thông, đẩy người đi bộ vào tình huống vi phạm Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Một số khu vực, toàn bộ vỉa hè đã biến thành các khu chợ tự phát hoặc nơi ăn uống, gây ồn ào, nhếch nhác, và mất an ninh trật tự. Việc xử lý vi phạm không thể chỉ mang tính chất phong trào mà cần phải được duy trì thường xuyên, liên tục. Cần xây dựng các khu vực chợ tạm hoặc điểm kinh doanh được quy hoạch rõ ràng, phù hợp để người dân có nơi buôn bán mà không làm ảnh hưởng đến giao thông và cảnh quan. Đồng thời, cần tăng cường kiểm định chất lượng hàng hóa, đặc biệt là thực phẩm, nhằm bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng.
Người dân cũng cần nâng cao ý thức khi lựa chọn hàng hóa dịp Tết. Việc mua sắm tại các cơ sở kinh doanh uy tín, sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng không chỉ bảo đảm an toàn cho bản thân mà còn góp phần giảm thiểu các hoạt động kinh doanh lấn chiếm vỉa hè.
Cảnh lấn chiếm vỉa hè mỗi dịp Tết không chỉ là câu chuyện của quản lý đô thị mà còn là lời nhắc nhở về ý thức chung của cộng đồng. Một Hà Nội sạch đẹp, văn minh chỉ có thể đạt được khi cả chính quyền và người dân cùng chung tay hành động. Đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là điều kiện để xây dựng một môi trường sống tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.
THANH XUÂN